Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu chung cũng như kế hoạch sản xuất cụ thể của từng loại cây trồng trong vụ mùa 2019 này ở Ninh Bình? Ông Lã Quốc Tuấn: Mục tiêu chung của vụ mùa này vẫn là đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa. Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là kỹ thuật về giống, về cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, máy cấy, máy gặt…
Tập trung thâm canh để đảm bảo năng suất và sản lượng lương thực trên địa bàn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, chuyển từ gieo sạ sang cấy mạ. Tăng cường mở rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm đối với một số giống lúa đặc sản. Bố trí cơ cấu trà mùa sớm hợp lý để giải phóng đất, gieo trồng các cây vụ đông.
Về kế hoạch sản xuất cụ thể: Tổng diện tích cây trồng các loại là 39.600 ha. Trong đó, cây lúa khoảng 35.000 ha với năng suất phấn đấu đạt 54 tạ/ha; ngô 1.400 ha, năng suất 32 tạ/ha; lạc 450 ha, năng suất 22 tạ/ha; khoai lang 270 ha, năng suất 80 tạ/ha; rau đậu các loại 1.500 ha, năng suất 150 tạ/ha…
Phóng viên: Ông nhận định ra sao về những thuận lợi cũng như thách thức trong vụ sản xuất này?
Ông Lã Quốc Tuấn: Sản xuất vụ mùa đến thời điểm này là tương đối thuận lợi. Do vụ lúa đông xuân năm nay thu hoạch sớm hơn 7-10 ngày so với năm ngoái nên chúng ta có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho vụ mùa từ khâu mua sắm vật tư, điều tiết nước cho đến làm đất…
Bên cạnh đó, mặc dù nắng hạn kéo dài từ tháng 6 đến nay nhưng Ninh Bình đã chủ động điều tiết, đảm bảo nước cho sản xuất. Hơn nữa, thời gian qua, từ Trung ương đến tỉnh đều đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Chương trình giống, chương trình khuyến nông, các chương trình kinh tế xã hội đã và đang tạo điều kiện tích cực cho sản xuất phát triển. Giá vật tư nông nghiệp tương đối ổn định tạo điều kiện cho nông dân lựa chọn, đầu tư thâm canh.
Tuy nhiên, khó khăn của vụ mùa là thời tiết thường diễn biến rất phức tạp, mưa, bão, úng, lụt bất thường nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hiện nay.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, vụ mùa năm 2019 bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Bình từ 1 - 2 cơn. Nền nhiệt độ toàn mùa ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, sẽ có từ 6-8 đợt nắng nóng tập trung vào tháng 6 và tháng 7. Sẽ có những đợt mưa lớn trong thời gian ngắn và lũ muộn.
Ngoài ra, các đối tượng dịch hại cây trồng trong vụ mùa thường diễn biến phức tạp, nhất là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột hại, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen phương nam đang có nguy cơ bùng phát trở lại ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Thời gian chuyển tiếp giữa vụ đông xuân và vụ mùa ngắn, nguồn phụ phẩm rơm, rạ không đủ thời gian phân hủy dễ gây hiện tượng ngộ độc, nghẹt rễ lúa. Tình trạng thiếu hụt lao động, ngày công tăng cao.
Phóng viên: Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, mở rộng các hình thức liên kết, tiêu thụ là yếu tố tiên quyết đảm bảo cho một nền nông nghiệp bền vững. Vậy ở vụ sản xuất này, Ninh Bình đang dần cụ thể hóa nó bằng các chương trình gì?
Ông Lã Quốc Tuấn: Năm nay, Sở đưa vào nhiều dự án theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến.
Có thể kể ra như: Dự án sản xuất lúa chất lượng, đặc sản tại xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh), xã Yên Nhân, Yên Hòa (huyện Yên Mô); mô hình mạ khay cấy máy ở một số HTX của huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Hoa Lư; liên kết giữa các HTX với tập đoàn Quế Lâm, công ty Bảo Minh, Kiên Giang trong việc sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao, lúa đặc sản nhất là giống nếp hạt cau; trên cây rau màu cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn.
Phóng viên: Đến thời điểm này, tiến độ sản xuất ở các địa phương ra sao và ngành Nông nghiệp có những lưu ý gì đối với bà con nông dân để giành thắng lợi vụ sản xuất này?
Ông Lã Quốc Tuấn: Đến nay, trên diện tích lúa, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc làm đất lần 1, diện tích làm đất lần 2 được khoảng 20%, diện tích lúa gieo, cấy đạt gần 3 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh.
Với cây màu, huyện Nho Quan đã gieo trồng được hơn 600 ha, Yên Mô gần 400 ha, bao gồm: ngô, lạc, khoai lang và rau đậu các loại. Riêng một số xã vùng cao thuộc huyện Nho Quan, việc gieo cấy phụ thuộc vào nước trời nên tiến độ gieo mạ, làm đất bị chậm lại. Nhìn chung, tiến độ sản xuất vụ mùa như vậy là tương đối đảm bảo.
Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là những diễn biến phức tạp của thời tiết. Nắng nóng kéo dài liên tục hay mưa lớn đều có thể ảnh hưởng nặng nề đối với những diện tích lúa gieo sạ và các cây trồng màu mới xuống giống.
Do vậy, bà con phải thật lưu ý theo dõi chặt các dự báo thời tiết ngắn hạn cũng như trung hạn để chủ động trong việc ngâm giống và gieo trồng tránh nắng hạn và mưa lớn ngay sau gieo; ứng phó linh hoạt, khắc phục nhanh những tác động của thời tiết bất thường.
Về khâu chăm sóc, vụ mùa thời tiết nắng nóng, cây sinh trưởng phát triển mạnh nên cần bón phân sớm, tập trung, cân đối tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng thuận lợi. Với sâu bệnh, cần đặc biệt lưu ý các đối tượng chuột hại, ốc bươu vàng, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, nhất là rầy lưng trắng hại mạ, lây truyền vi rút lùn sọc đen.
Về phía cơ quan chuyên môn, Sở sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương để hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, kiểm tra, tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất. Dự tính, dự báo sinh vật hại và hướng dẫn phòng trừ kịp thời. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra buôn bán và sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Lựu (thực hiện)