Phóng viên (PV): Kế hoạch sản xuất vụ mùa 2017 của tỉnh ta như thế nào, thưa ông? Ông Lã Quốc Tuấn: Mục tiêu chung của vụ mùa này vẫn là đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa.
Chú trọng chuyển đổi diện tích vùng cấy lúa năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hoặc cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, sản phẩm phân bón mới.
Mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. Cụ thể, đảm bảo tổng diện tích cây trồng các loại trên 41 nghìn ha, trong đó cây lúa khoảng 37 ha với năng suất phấn đấu đạt 55 tạ/ha, ngô 1.700 ha, năng suất 32 tạ/ha, rau các loại 1.700 ha, năng suất 137 tạ/ha…
PV: Ông nhận định ra sao về những thuận lợi cũng như thách thức trong vụ sản xuất này?
Ông Lã Quốc Tuấn: Đến thời điểm này, sản xuất vụ mùa tương đối thuận lợi, không chịu nhiều áp lực về khung lịch thời vụ. Nguyên nhân là do vụ đông xuân vừa qua là một vụ đông xuân ấm, thời gian sinh trưởng phát triển của cây lúa được rút ngắn, lúa thu hoạch sớm hơn đến 10 ngày so với năm ngoái, do vậy có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho vụ mùa.
Hơn nữa, sau thu hoạch lúa đông xuân, thời tiết có mưa, cung cấp đủ nước cho việc gieo cấy. Bên cạnh đó, thời gian gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng cơ bản đã được thực hiện, thủy lợi nội đồng được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng.
Chương trình giống, chương trình khuyến nông, các chương trình kinh tế xã hội đã và đang tạo điều kiện tích cực cho sản xuất phát triển. Giá vật tư nông nghiệp tương đối ổn định tạo điều kiện cho nông dân lựa chọn, đầu tư thâm canh.
Tuy nhiên, khó khăn của vụ mùa là thời tiết thường diễn biến rất phức tạp, mưa, bão, úng, lụt bất thường nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, vụ Mùa năm 2017 bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Bình từ 1 - 2 cơn. Nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Lượng mưa toàn mùa ở mức xấp xỉ TBNN (1434,1 mm). Ngoài ra, sâu bệnh cũng khó dự đoán hơn bởi phát sinh không theo quy luật, có thể xảy ra tình trạng phòng trừ không kịp thời.
PV: Năm 2016, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và số 2, nhiều diện tích lúa bị phát sinh bạc lá ảnh hưởng lớn đến năng suất. Với tình hình trên, năm nay ngành đã có giải pháp gì để hạn chế vấn đề này?
Ông Lã Quốc Tuấn: Tổng diện tích nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn vụ mùa 2016 là 8.588 ha (cao gấp 7,5 lần so tổng diện tích nhiễm vụ mùa năm 2015), trong đó diện tích nhiễm nặng là trên 2.000 ha (cao gấp 42,9 lần so với vụ mùa năm 2015). Nguyên nhân do thời tiết vụ mùa năm 2016 rất thuận lợi cho bệnh bạc lá phát sinh và gây hại.
Cụ thể, tổng lượng mưa trong vụ cao hơn TBNN và cao hơn vụ mùa năm trước, đồng thời trong vụ do ảnh hưởng của các cơn bão số 1, số 2, số 3, mưa lớn kèm theo gió mạnh làm lá lúa bị dập nát nên bệnh phát sinh và gây hại sớm ngay ở giai đoạn lúa cuối đẻ đến phân hóa đòng trên trà mùa sớm và các đợt mưa lớn kéo dài vào giai đoạn lúa mùa sớm trỗ bông là giai đoạn mẫn cảm của cây lúa nên bệnh tăng rất nhanh và gây hại rộng ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật, còn lạm dụng nhiều vào phân vô cơ, đặc biệt là còn bón lượng đạm quá cao, bón không cân đối. Ngoài ra, các giống nhiễm nặng như LT2, Bắc thơm số 7 vẫn được bà con gieo cấy với tỷ lệ cao.
Vụ mùa 2017, để hạn chế những tác động của thời tiết, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, Sở khuyến cáo bà con không nên gieo cấy các giống thường xuyên nhiễm bệnh bạc lá trong vụ mùa như LT2 và Bắc thơm số 7. Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa, đặc biệt là bố trí lượng phân bón một cách cân đối.
Giảm lượng đạm, tăng lượng kali, bón đúng kỹ thuật, bón lót đầy đủ, bón thúc tập trung, không bón lai rai để cây lúa sinh trưởng tốt, khỏe mạnh tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh. Bệnh bạc lá chỉ có thể phun phòng chứ không thể trừ, tuy nhiên việc phun thuốc này cũng phải tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không phun tràn lan.
PV: Đến thời điểm hiện tại, tiến độ sản xuất vụ mùa ra sao và ngành nông nghiệp sẽ tập trung những giải pháp gì để giành thắng lợi vụ sản xuất này thưa ông?
Ông Lã Quốc Tuấn: Với sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo, sự phối kết hợp tốt giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, người dân tích cực sản xuất nên vụ mùa đang diễn ra khá thuận lợi, tiến độ sản xuất nhanh hơn so với vụ mùa năm trước, chất lượng làm đất cũng tốt hơn do có thời gian ngâm dầm cho rơm rạ phân hủy, cây lúa chắc, sẽ sinh trưởng phát triển thuận lợi hơn.
Đến nay, toàn tỉnh đã gieo được trên 400 ha mạ, trong đó chủ yếu là mạ dược, diện tích gieo sạ cũng đạt hơn 1.000 ha. Thời gian tới, ngành sẽ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn; triển khai tu bổ, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi, thực hiện vớt, diệt lục bình trên các sông, rạch, kênh nội đồng và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống phục vụ tốt cho việc tưới tiêu. Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương xác định thời vụ gieo xạ thật hợp lý, tránh các đợt mưa lớn.
Tổ chức đánh bắt chuột tập trung trong quá trình làm đất và sau gieo cấy đồng thời vệ sinh đồng ruộng bằng cách làm sạch cỏ dại trên bờ, phát quang bụi rậm, lùm cây... để cắt nguồn sâu bệnh.
Tập trung chỉ đạo quản lý, theo dõi sát tình hình sâu bệnh, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Tiếp tục kết nối, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của bà con nông dân.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (thực hiện)