Theo Phòng Nông nghiệp huyện Gia Viễn thì vụ đông xuân 2013, toàn huyện gieo cấy được 5.800 ha lúa trong đó có 1.200 ha lúa ngoài đê. Diện tích lúa ngoài đê nằm chủ yếu ở các xã Gia Trung, Gia Vượng, Gia Thắng, Liên Sơn, Gia Hưng... và được cấy bằng các giống lúa lai, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, cứng cây phù hợp với đất ngoài đê như Phú ưu 978, Thục hưng 6... Ngay khi bước vào thời kỳ thu hoạch, UBND huyện Gia Viễn đã có văn bản chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa ngoài đê đã chín, đảm bảo ăn chắc, theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" nhằm tránh bão lũ xảy ra bất thường, gây thiệt hại. Đến đầu tháng 6, các địa phương trong huyện đã thu hoạch được 6.500 ha lúa với năng suất ước đạt bình quân 63,1 tạ/ha. Chị Đinh Thị Hoa, xã Gia Hưng cho biết: gia đình cấy được hơn 1 mẫu lúa và chưa năm nào, thời tiết lại ủng hộ như năm nay, không phải chăm bón nhiều, nhưng lúa vẫn sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh thì hầu như không có. Để đảm bảo ăn chắc, khi lúa chín tới, chị đã huy động mọi nhân lực trong gia đình cùng với việc thuê thêm 8 nhân công gặt nhanh diện tích lúa đã chín, tận dụng những ngày nắng ráo tập trung phơi lúa và giải phóng rơm rạ.
Vụ đông xuân 2013, huyện Hoa Lư gieo cấy được 3.279,4 ha lúa. Qua kiểm tra, đánh giá đồng ruộng của các địa phương cho thấy năng suất lúa khá đồng đều giữa các địa phương, vùng miền và giữa các giống. Đến thời điểm này, huyện Hoa Lư đã thu hoạch xong, năng suất bình quân ước đạt 68 tạ/ha. Bước vào thời kỳ thu hoạch, các địa phương và người nông dân trong huyện đã tập trung cao độ cho công tác này. Huy động mọi nguồn lực và phương tiện có thể; tranh thủ khoảng thời gian sớm - tối, tận dụng tối đa thời tiết nắng để phơi khô rê sạch lúa đã gặt về. Toàn huyện đã có tới vài chục chiếc máy gặt đập liên hoàn cỡ nhỏ tham gia thu hoạch lúa xuân, nên khâu thu hoạch ở các địa phương tiến triển nhanh. Thu hoạch bằng máy còn tránh được tối đa sự hao hụt mất mát, giải phóng được sức lao động cho người nông dân, bảo vệ sức khỏe của họ và thực hiện phân công lại lao động trong sản xuất nông nghiệp. Không những thế việc đưa máy móc vào đồng ruộng đã giúp người nông dân đi theo hướng sản xuất lớn với sản lượng và giá trị cao.
Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim sơn cho biết: Đến thời điểm này về cơ bản toàn huyện đã thu hoạch xong lúa đông xuân với năng suất bình quân ước đạt 67,3 tạ/ha, cao hơn so với vụ đông xuân trước. Vụ này nông dân Kim Sơn không chỉ được mùa về năng suất, sản lượng mà còn cả về giá trị và hiệu quả kinh tế, do đỡ công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Huyện cũng đã triển khai công tác sản xuất vụ mùa và phấn đấu gặt đến đâu làm đất đến đó nhằm gieo cấy đạt trên 7.900 ha lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân 2013, với năng suất bình quân chung ước đạt trên 65 tạ/ha. Đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: ở đầu và giữa vụ, thời tiết khí hậu khá thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Nhưng khi vào giai đoạn lúa phân hóa đòng, trỗ bông gặp đợt rét "Nàng bân" nên ít nhiều có ảnh hưởng đến việc đậu hạt của các giống lúa. Với giống mẫn cảm với thời tiết (BC15) đã dẫn đến tình trạng "Giống lúa lép". Do vậy, nhiều khu đồng, cánh đồng lúa nhìn thoáng qua rất đẹp, song bông nhỏ. Một số ít hộ gia đình vẫn mất mùa cục bộ, do canh tác không đúng quy trình kỹ thuật, hoặc tự ý đưa giống lúa khác vào gieo cấy.
Bên cạnh đó, vụ đông xuân năm nay, nhiều địa phương chuyển dịch mạnh theo hướng đưa nhiều giống lúa thuần chất lượng cao vào đồng ruộng, diện tích lúa thuần chất lượng cao nhiều hơn so với vụ đông xuân trước... nên mặc dù năng suất lúa bình quân chung của cả tỉnh không cao hơn vụ đông xuân năm trước, nhưng về giá trị và hiệu quả của vụ sản xuất thì cao hơn vụ trước, do: giá lúa chất lượng cao trên thương trường luôn bằng 1,2-1,5 lần so với lúa cao sản.
Mặt khác, đây là vụ sản xuất mà chi phí cho chăm sóc, làm cỏ, đặc biệt là phòng trừ sâu bệnh rất ít. Nhiều vùng, nhiều hộ gia đình không phải phun thuốc sâu lần nào, có chăng chỉ phải phun trừ một đợt sâu cuốn lá nhỏ, nên không tốn công lao động và tiền cho mua thuốc BVTV, lại bảo vệ được môi trường.
Trường Sinh