Sản xuất lúa đông xuân 2019 - 2020, Ninh Bình có kế hoạch gieo cấy 40.060 ha, phấn đấu năng suất bình quân 66 tạ/ha, sản lượng khoảng 265 nghìn tấn. Sở Nông nghiệp & PTNT đã lên kế hoạch sản xuất, xác định khung lịch thời vụ, cơ cấu giống cho các vùng sản xuất trọng điểm. Tuy nhiên, dự báo sản xuất lúa vụ đông xuân tới có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi hơn so với những vụ mùa trước đây.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình: Xu thế thời tiết toàn mùa vẫn ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm. Các đợt rét đậm, rét hại có thể xảy ra từ 4-6 đợt tập trung vào cuối tháng 12 và kéo dài sang tháng 1, tháng 2. Nhiệt độ thấp nhất có thể xuống tới 7-9 độ C, vùng núi từ 6-8 độ C. Về mực nước trên các sông: Các tuyến sông chính như sông Đáy, sông Hoàng Long, mực nước ở các tháng 11, 12 năm 2019 và tháng 1, 2 năm 2020 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng tháng 3 thì xấp xỉ trung bình nhiều năm và tháng 4 là cao hơn trung bình nhiều năm. Về độ mặn, độ mặn cao trên 15 phần nghìn sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 12/2019 và tháng 1, tháng 3 năm 2020.
Phân tích kỹ hơn về nội dung này, ông Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Trên thực tế và theo kinh nghiệm cổ truyền "Cửu nguyệt phong lôi, tứ nguyệt hàn", nghĩa là tháng 9 có sấm chớp, tháng 4 năm sau sẽ lạnh, rét nàng Bân sẽ về muộn hơn bình thường; nếu lúa làm đòng và trỗ giai đoạn này năng suất bị ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, các địa phương phải cân nhắc rất kỹ để quyết định thời điểm gieo cấy, làm sao đảm bảo cho lúa trỗ bông vào thời điểm an toàn cao nhất. Bên cạnh đó, năm nay các đợt rét đậm, rét hại có thể rơi đúng vào tiết lập xuân - thời điểm mà bà con ta đang tập trung gieo cấy, nếu không theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có những dự báo, cảnh báo sớm, từ đó thay đổi linh hoạt thời điểm xuống giống thì khó tránh khỏi việc phải gieo cấy đi, gieo cấy lại nhiều lần.
Một khó khăn nữa mà vụ đông xuân 2019-2020 chúng ta có thể phải đối mặt đó là vấn đề nước tưới. Ông Lâm Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Tình hình khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất bởi hiện tại không ít các hồ, đập, sông suối trên địa bàn đang bị thiếu hụt khoảng 20-50% dung tích. Mức độ thiếu nước có thể diễn ra gay gắt, vì vậy các địa phương phải chủ động các giải pháp phòng chống, đặc biệt là việc trữ nước và sử dụng tiết kiệm nguồn nước.
Ngoài ra, theo ngành Nông nghiệp thì năm nay vẫn tiếp tục là một năm thời tiết ấm, đây là cơ hội tốt cho côn trùng đẩy nhanh vòng đời, nguồn thức ăn sẽ sẵn có hơn, ký chủ tốt hơn, vì vậy chúng ta cũng sẽ đối mặt với áp lực sâu bệnh nhiều hơn, nhất là chuột hại, bệnh lùn sọc đen…
Trước những khó khăn trên, vừa qua, Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội nghị họp bàn với các địa phương để đưa ra các giải pháp tốt nhất đối phó. Theo đó, đã thống nhất các định hướng cơ bản trong kỹ thuật như sau: Về cơ cấu trà lúa, trà xuân muộn vẫn là trà lúa chủ đạo chiếm 95% diện tích; trà xuân sớm 5%, chỉ bố trí trên các chân ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê, đất thấp ven núi.
Về thời điểm gieo cấy, trà xuân sớm gieo mạ từ 10-15/12/2019, cấy tập trung từ 10-15/12/2020; trà xuân muộn gieo mạ từ 20-30/1/2020, 100% mạ gieo phải được che phủ bằng ni - lông trong, cấy xong trong tháng 2. Đối với diện tích gieo thẳng thì tập trung gieo từ 1-10/2/2020. Trong công tác làm đất, tận dụng mọi nguồn lực làm đất sớm, cày sâu, bừa kỹ, tơi nhuyễn, phẳng thực hiện phương châm "ruộng chờ mạ".
Với vấn đề điều tiết nước, đây là yếu tố vô cùng quan trọng với lúa xuân, "nước là áo của lúa xuân", giai đoạn cây con không thể để thiếu nước. Dự báo năm nay có nguy cơ thiếu nước, do đó việc điều tiết nước và sử dụng nước phải thật hợp lý, tiết kiệm cần được các cấp, các ngành quan tâm chú ý ngay từ đầu vụ.
Về bón phân: thực hiện phương châm "bón đúng, bón đủ và bón cân đối", không nên bón đạm đơn; bón lót nhiều, lót sâu, bón thúc sớm. Tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ để từng bước giảm lượng phân bón hóa học, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Sâu bệnh: Cần hết sức lưu ý để điều tra, phát hiện, dự tính dự báo kịp thời, tiêu diệt sớm không để nguy cơ lây lan, phát sinh thành dịch, chú ý các giống mẫn cảm, chân đất, ruộng thường xuyên có ổ bệnh.
Các địa phương sử dụng tối đa hệ thống thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là hệ thống truyền thanh xã, thị trấn để thông tin tình hình về tác động bất lợi và các biện pháp kỹ thuật phòng chống để người nông dân nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc.
Hà Phương