Bước vào vụ sản xuất này, cũng như các địa phương khác, Hoa Lư gặp không ít khó khăn, nhất là về thời tiết, khí hậu, rét đậm kéo dài làm cho lúa sinh trưởng, phát triển chậm. Huyện cũng đã kịp thời chỉ đạo các HTX và người nông dân tích cực chăm bón, bón tăng phân cho lúa (kali) và kết quả là lúa đã phục hồi phát triển nhanh, sâu bệnh ít. Qua kiểm tra, đánh giá đồng ruộng của các địa phương cho thấy sự khá đồng đều giữa các địa phương và vùng miền, giữa các giống trong vụ sản xuất. Năng suất lúa của các xã miền núi (Trường Yên) cũng tương đương với các xã đồng bằng (Ninh Giang, Ninh Khang). Bà Đinh Thị Châu, nông dân xã Ninh Khang cho biết: Lúa năm nay tốt, ngay cả các giống lúa "ăn ngon", lúa thuần cũng cho năng suất đạt từ 2,7-3 tạ/sào. Với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, nên các địa phương và người nông dân trong huyện đã tập trung cao độ cho công tác thu hoạch; huy động mọi nguồn lực và phương tiện có thể, tranh thủ khoảng thời gian sớm - tối, tận dụng tối đa thời tiết nắng để phơi khô, rê sạch lúa đã gặt về. Điểm đáng chú ý là toàn huyện đã có tới 19 chiếc máy gặt đập liên hoàn tham gia thu hoạch lúa xuân, nên khâu sản xuất này ở toàn huyện tiến triển nhanh.
Về Yên Mô, chúng tôi được biết: Tỷ lệ lúa lai và lúa chất lượng cao chiếm chủ yếu trong tổng diện tích gieo cấy của toàn huyện (tỷ lệ lúa lai các loại chiếm 57,1%, trong đó diện tích lúa cao sản chiếm 38,3% diện tích; lúa chất lượng cao và nếp các loại 38,8%). Nét mới trong vụ xuân năm nay của Yên Mô là các xã, thị trấn đã tích cực mở rộng diện tích lúa gieo vãi như xã Khánh Thượng, Yên Từ, Yên Phong, Yên Phú... Các xã đồng chiêm trũng như: Yên Đồng, Yên Thái đã chủ động xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm ở các vụ sau. Do vậy tổng diện tích lúa gieo vãi toàn huyện trong vụ xuân này nâng lên 408,1 ha. Đồng chí Đỗ Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: Vụ đông xuân năm nay, xã Yên Nhân đã gieo cấy được 693,5 ha, trong đó lúa chất lượng cao là 458 ha (chiếm trên 66%). Với quyết tâm của cán bộ và nhân dân, vụ lúa năm nay đã thắng lợi, năng suất dự kiến cao nhất từ trước đến nay.
Đến huyện Kim Sơn, Phòng Nông nghiệp & PTNT cho biết: Toàn huyện gieo cấy được 8.281,5 ha, trong đó lúa thuần chiếm 56,2%, lúa lai chiếm 43,8%. Với ảnh hưởng của tiểu khí hậu vùng và chất đất, nên vụ lúa nào Kim Sơn cũng bị thu hoạch muộn so với các huyện, thành phố, thị xã khác trong tỉnh. ở vụ xuân năm nay, với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp đôn đốc nhân dân thu hoạch nhanh lúa đông xuân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Tuy nhiên đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã làm chậm tiến độ thu hoạch của huyện, làm 900 ha lúa bị đổ ngã. Nhưng những diện tích lúa bị đổ ngã đều đã chín nên huyện chỉ đạo nhân dân thu hoạch ngay. Huyện đã nhờ sự trợ giúp của trên 300 chiến sỹ Quân đội thuộc Bộ CHQS tỉnh và Binh đoàn Quyết Thắng về gặt giúp dân ở các xã: Tân Thành, Yên Lộc, Thượng Kiệm cùng 137 sinh viên tình nguyện thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh xuống giúp nhân dân thu hoạch lúa ở các xã Chất Bình, Kim Định. Trao đổi với chúng tôi, Ban quản trị HTX Ân Hòa cho biết: Vụ đông xuân là vụ lúa chủ lực cho năng suất cao trong năm, vì vậy xã và bà con nông dân đã tập trung đầu tư công sức ngay từ đầu vụ. Do vậy vụ sản xuất này xã Ân Hòa đã thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong đó xã đã gieo trồng được 395 ha lúa, năng suất bình quân ước đạt 73,5 tạ/ha, nhiều giống lúa cao sản có năng suất đạt trên 3 tạ/sào; các giống lúa chất lượng cao như Tám thơm, QR1... có năng suất đạt tới 2,8 tạ/sào.
Đến thời điểm này, nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch xong 41.593,8 ha lúa xuân với năng suất ước đạt bình quân 65 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân 2009-2010 là 0,85 tạ/ha. Huyện Kim Sơn vẫn là đơn vị có năng suất lúa cao nhất (67,7 tạ/ha). Các huyện phía Bắc tỉnh vốn có địa hình chất đất không đồng đều, khó khăn trong sản xuất, nhưng cũng đạt năng suất bình quân nơi thấp nhất trên 60 tạ/ha. Hầu hết các huyện, thành phố, thị xã đều có năng suất lúa cao hơn vụ trước. Điều đó cũng đã thể hiện sự đồng đều giữa các vùng, miền trong vụ sản xuất này. Sự đồng đều ở đây còn biểu hiện rõ giữa các giống gieo cấy trong cùng vụ. Thông thường, các giống lúa lai cho năng suất cao hơn, nhưng vụ này các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao năng suất cũng không thua kém. Hạt lúa mẩy, sáng, được giá trên thương trường. Đây còn là vụ sản xuất mà công tác bảo vệ thực vật gần như bị "mất mùa": Sâu bệnh ít, chuột đỡ phá hoại… đồng nghĩa với việc chi phí cho sản xuất giảm đi và hiệu quả kinh tế được nâng lên.
Trường Sinh