Theo dự báo của các nhà chuyên môn, sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018 sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là giai đoạn đầu vụ. Thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2018 khả năng là vụ đông xuân rét, nhiệt độ trung bình toàn mùa xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm; những đợt rét đậm, rét hại kéo dài có khả năng tập trung vào cuối tháng 1 đầu tháng 2, đúng vào thời kỳ cao điểm gieo cấy lúa xuân. Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết, mực nước các sông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng mặn sẽ xâm nhập sâu. Ngoài ra, tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh phức tạp, nhất là bệnh lùn sọc đen, chuột hại được dự báo là sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Từ những thuận lợi và khó khăn của sản xuất vụ đông xuân, Sở Nông nghiệp & PTNT đã sớm phối hợp với các địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Toàn tỉnh đặt mục tiêu gieo trồng 49.000 ha cây trồng các loại, trong đó lúa là 40.485 ha, phấn đấu năng suất đạt 66 tạ/ha.
Về cơ cấu giống, ngành tập trung khuyến cáo, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng chất lượng, hiệu quả; tập trung sử dụng các giống ngắn ngày, chất lượng cao, chống chịu khá với sâu bệnh và diễn biến bất thuận của thời tiết. Những nơi đã nhiễm bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2017 cần hạn chế gieo cấy các giống nhiễm rầy.
Bố trí hợp lý cơ cấu lúa lai và lúa thuần để vừa đảm bảo được năng suất, sản lượng cao, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, đồng thời phải gắn sản xuất vụ xuân với vụ mùa và vụ đông. Lúa lai, sử dụng các giống: Nhị ưu 838, Phú ưu 1, Thục hưng 6, Thái Xuyên 111, CT16, TEJ- Vàng … Lúa thuần, sử dụng các giống: KD18, Hoa ưu 109, TBR 225, Thiên ưu 8, Nếp 97, Nếp 98, Bắc thơm số 7, LT2, DQ11, Sơn lâm 1 … tiếp tục sản xuất thử một số giống lúa mới có triển vọng như LTH 31, Hà Phát 3…
Còn đối với lịch thời vụ, trên chân ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê, đất thấp ven núi… cần tập trung gieo mạ từ ngày 5 đến 10/12/2017, cấy xong trong tháng 1/2018 để thu hoạch trước ngày 20/5 tránh lụt Tiểu mãn. Các vùng sản xuất còn lại, nên bố trí gieo cấy toàn bộ bằng trà xuân muộn để đảm bảo năng suất tốt nhất. Nếu gieo mạ thì gieo từ ngày 20 đến 25/1/2018 và cấy khi mạ được 3 lá (mạ nền), dưới 5 lá (mạ dày xúc); nếu lúa gieo thẳng thì gieo từ ngày 1 đến 14/2/2018.
Ông Lã Quốc Tuấn, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc khẩn trương cày ải, cày lật đất để diệt lúa chét, cỏ dại nhằm hạn chế nguồn lưu trú của rầy lưng trắng… Một số diện tích ở chân ruộng trũng, diện tích lúa-cá không thể cày ải đã được bà con nông dân chủ động khoanh vùng, lấy nước sớm làm dầm.
Song song với làm đất, để đảm bảo đủ nước cho vụ xuân, các địa phương và các Chi nhánh KTCTTL đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình; tu sửa, bảo dưỡng, bổ sung thiết bị máy móc; tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa để chủ động lấy nước sớm, khai thác hiệu quả các đợt xả nước hồ thủy điện.
Tuy nhiên, đặc điểm năm nay là tiết lập xuân sẽ rơi vào ngày 4/2 (ngày 19 tháng chạp), Tết Nguyên đán Mậu Tuất từ ngày 15 đến 18/2/2018 (từ ngày 30 tháng chạp năm 2017 đến ngày mồng 3 tháng giêng năm 2018 ) đúng thời điểm gieo cấy tập trung.
Do vậy, có hai vấn đề đáng lo ngại đặt ra: một là bà con nông dân mải lo Tết mà lơ là chuyện sản xuất, xuống giống sớm hơn hoặc muộn hơn so với lịch thời vụ; hai là rét đậm, rét hại có thể sẽ rơi đúng với thời điểm gieo cấy tập trung, lúa non mới gieo cấy sức chống chịu kém, rất dễ bị thiệt hại.
Do đó, các địa phương cần chú ý chỉ đạo sản xuất thật chặt chẽ thì mới có thể đảm bảo được khung lịch thời vụ. Đồng thời, bà con nông dân cũng phải luôn ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết.
Chúng tôi khuyến cáo nông dân chuẩn bị giống lúa dự phòng; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong khâu làm mạ, chuẩn bị giống gieo sạ. Tiến hành gieo cấy đồng loạt, tập trung để thuận tiện cho việc điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và thu hoạch. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 28/2/2018.
Ngoài ra, bà con nông dân cần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như "Ba giảm, ba tăng", kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng trừ dịch hại.
Đặc biệt, tăng cường các biện pháp diệt trừ chuột, các biện pháp kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP. Phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh.
Hà Phương