Do nhiều yếu tố khách quan, việc dành nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều rào cản. Nguồn vốn quan trọng để xây dựng NTM
Đến hết quý I/2012, dư nợ cho vay nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ước đạt 8.150 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Cơ cấu dư nợ từng bước được cải thiện theo hướng tăng dần tỷ trọng vay vốn trung và dài hạn, chiếm tỷ trọng 61%/tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 33 nghìn lượt khách hàng thuộc địa bàn nông nghiệp, nông thôn được vay vốn của các ngân hàng và của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân với tổng dư nợ là 8.150 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư tín dụng ngân hàng đối với nông nghiệp và xây dựng NTM đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tạo điều kiện cải tiến và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống. Thông qua nguồn vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hàng nghìn lượt hộ nông dân và các đối tượng khách hàng khác ở nông thôn đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Để phục vụ cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM thời gian qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện một loạt các giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất về nguồn vốn hỗ trợ cho khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các Ngân hàng tổ chức tín dụng (NH, TCTD) trên địa bàn đã không ngừng tăng cường công tác huy động vốn nhàn rỗi tại địa bàn. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ ngân sách, từ các dự án và huy động nguồn vốn ngoài tỉnh, nguồn vốn điều hòa của các NH, TCTD cấp trên, nhằm tăng cường nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế địa phương.
Về cơ bản, đến nay ngành Ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng hợp lý, có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Tập trung vốn cho vay phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, cho vay sản xuất làng nghề truyền thống, hàng xuất khẩu, cho vay giải quyết việc làm cho nhiều lao động, cho vay chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất ngành nghề, dịch vụ phục vụ thiết yếu, trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục thực hiện chính sách cho vay đối với người nghèo và các đối tượng theo quy định.
Các ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và các tổ chức chính trị, xã hội nhằm tiếp tục phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Đồng thời, hỗ trợ cho khách hàng trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng Ngân hàng và xử lý những tồn tại, khó khăn phát sinh trong quá trình sử dụng vốn.
Vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp còn "gặp khó"
Với những nỗ lực đó, các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh đã và đang đóng góp một phần quan trọng về nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn khiêm tốn; môi trường đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn.
Đồng chí Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết:Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi cần có nguồn vốn lớn và cần được ưu tiên. Song hiện nay Chính phủ chưa có chính sách dành riêng cho nguồn vốn đáp ứng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa có cơ chế quy định ưu tiên nguồn vốn cho nhu cầu này, nhất là nguồn vốn để cho vay lĩnh vực điện, đường, trường, trạm… cho việc xây dựng NTM hiện nay. Cùng với đó là nguồn vốn cho hộ nghèo vay, mặc dù đã được tăng trưởng qua các năm nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo để sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo.
Việc mở rộng đầu tư tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, một số khách hàng chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nguyên nhân do khách hàng không có đủ điều kiện để vay vốn như thiếu năng lực tài chính, thiếu tài sản thế chấp theo quy định, chưa có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả. Trình độ, năng lực quản lý, kinh doanh, ứng dụng KHKT vào sản xuất còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tiêu thụ tự phát, chưa được bao tiêu sản phẩm, nên việc lập kế hoạch tiêu thụ sản phẩm và xem xét tính khả thi, hiệu quả của dự án, phương án sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn.
Việc quy hoạch vùng sản xuất trên địa bàn nhìn chung còn chưa hoàn chỉnh. Chưa phân vùng, xác định rõ vùng phát triển kinh tế, nhất là về cây trồng, vật nuôi cụ thể. Vì vậy việc thẩm định mở rộng đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn thiếu căn cứ sát thực.
Một hạn chế gây khó khăn không nhỏ cho việc dành nguồn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, đó là hiện nay nguồn vốn huy động tại địa phương của Ngân hàng Ninh Bình nhìn chung mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% dư nợ cho vay. Nguồn vốn cho vay phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động ở tỉnh ngoài và sự hỗ trợ của Ngân hàng cấp trên. Việc đầu tư tín dụng trung, dài hạn cũng bị hạn chế do nguồn vốn huy động trên địa bàn chủ yếu là ngắn hạn chiếm trên 70%.
Cần có cơ chế phù hợp
Để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu xây dựng NTM cùng với vốn tín dụng Ngân hàng Chính phủ nên có chính sách khuyến khích, động viên nhằm phát huy cao độ nguồn nội lực trong nhân dân và sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức khác trong xã hội vào thực hiện chủ trương này. Đồng thời Chính Phủ cũng nên có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn trên 6 tháng thông qua ngân hàng để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.
Đối với nguồn vốn cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH cũng cần bổ sung thêm để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo nông nghiệp, nông thôn. Tại các khu vực nông thôn, cũng nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và bao tiêu sản phẩm ở lĩnh vực nông nghiệp.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần sớm nghiên cứu ban hành cơ chế ưu tiên nguồn vốn ngân hàng để đầu tư cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho các chi nhánh ngân hàng khó khăn về huy động tại địa bàn để các chi nhánh có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế và xây dựng NTM.
Nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế tập thể khu vực nông nghiệp, nông thôn thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng thì các địa phương cũng nên sớm có quy hoạch cụ thể của từng xã về đất đai, vùng cây con, ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, để ngân hàng có cơ sở tính toán mở rộng đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường các chương trình đào tạo để trang bị kiến thức KHKT nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh và khả năng xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả cho các HTX, trang trại, các hộ nông dân. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nguyễn Thơm