Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Gia Viễn đã không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Với mạng lưới 361 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trải rộng khắp 21 xã, thị trấn, nguồn vốn ưu đãi đã được chuyển tải đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách nhanh chóng và tiện lợi. Từ đó, giúp nhiều hộ gia đình có việc làm, tăng thêm thu nhập, nhiều em học sinh tiếp tục theo đuổi con đường học tập, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Chúng tôi có dịp đến với Gia Minh, một xã nằm ở phía Tây Nam huyện Gia Viễn, ven sông Hoàng Long. Trước đây, nhắc đến Gia Minh người ta thường liên tưởng đến những con đường heo hút, xóm làng đìu hiu, nghèo khó. Nhưng những năm gần đây, nhờ các chính sách phát triển của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH và sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, nhân dân địa phương, bộ mặt và đời sống nhân dân Gia Minh đã khác xưa.
Tận mắt thăm thú cơ ngơi trang trại của anh Đinh Phát Kỳ Diện ở khu Đồng Lấm, xã Gia Minh mới thấy những chính sách ưu đãi phát triển của huyện đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả như thế nào.
Toàn bộ diện tích rộng 15 ha ven núi được cải tạo phân lô, đổ cột bê tông, quây lưới B40 rất quy củ và chắc chắn. Dưới ruộng, anh Diện thả cá các loại, trên bờ anh đầu tư nuôi ngỗng, vịt đẻ và dê. Anh Diện cho biết: Gia đình được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư phát triển kinh tế.
Sau 2 năm, từ vùng đất úng trũng, cấy lúa năng suất bấp bênh, anh đã cải tạo cấy một vụ lúa và nuôi 1 vụ cá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài tạo việc làm cho 2 vợ chồng, trang trại còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục thanh niên trong xã.
Anh Diện là một trong hàng trăm nông dân trên địa bàn xã được quan tâm hỗ trợ đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH để phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Thà, xóm Hạ (Gia Minh) lại sử dụng nguồn vốn theo một cách khác, đó là đầu tư cho các con ăn học. Chị Thà cho biết: Với 1,5 mẫu ruộng, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chỉ lo đủ ăn, đủ mặc đã khó, chưa nói đến cho con cái học hành.
Nhưng thấy con ham học, học giỏi, anh chị cũng cố gắng đi làm thêm công việc hàn xì, buôn bán thêm ngoài chợ để mua sách vở cho con. Đứa lớn rồi đứa bé nối tiếp nhau vào đại học, cao đẳng, gia đình lúc ấy đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhưng nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, các cháu có tiền trang trải một phần chi phí để tiếp tục học tập.
Hiện tại con trai cả đã tốt nghiệp y sỹ, ra trường tìm được việc làm và trả nợ cho ngân hàng. Chị Thà đang tiếp tục vay vốn từ NHCSXH Gia Viễn để tiếp sức cho người con thứ 2 đang là sinh viên cao đẳng giao thông.
Trao đổi với ông Phạm Đình Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Minh được biết: Gia Minh là một trong những xã nghèo nhất của huyện Gia Viễn, đa số người dân sống bằng nghề nông, thường xuyên bị úng lụt nên cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Xác định cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, giúp hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức bình xét cho các hộ nghèo vay theo nguyên tắc dân chủ, công khai, đúng quy định.
Thực hiện việc rà soát, tổng hợp danh sách và nhu cầu vay vốn của người nghèo, từ đó xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn vay từng năm để đề đạt lên NHCSXH xem xét. Tính đến nay, dư nợ cho vay của toàn xã đối với NHCSXH là trên 10 tỷ đồng với khoảng 400 hộ vay.
Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng lớn như: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên… Từ nguồn vốn được vay, các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, kinh doanh dịch vụ, chu cấp cho học sinh, sinh viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học.
Có thể nói, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã làm cho đời sống của bà con nơi đây giảm bớt khó khăn, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gia Viễn cho biết: Tính đến hết quý II năm 2016, tổng dư nợ cho vay của Phòng giao dịch đạt gần 234 tỷ đồng (tăng gần 13 tỷ đồng so với cuối năm 2015), tạo điều kiện cho hơn 12 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Góp phần giúp hàng trăm hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động từ chương trình giải quyết việc làm, xây dựng hàng nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…
Bên cạnh đó, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn, xóm trong việc bình xét cho vay nên đã nâng cao được chất lượng quản lý, giám sát sử dụng vốn vay. Bà con vay vốn có chuyển biến về ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trả nợ vay khi đến hạn. Hiện, tỷ lệ nợ quá hạn của Gia Viễn chỉ là 0,028%.
Có thể nói, vốn tín dụng ưu đãi đã và đang khẳng định là công cụ đắc lực trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Gia Viễn.
Hà Phương - Minh Đường