Có dịp theo chân những cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Chi nhánh huyện Yên Khánh để tìm hiểu một số mô hình kinh tế có vay vốn, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui, sự phấn khởi của các hộ dân khi đồng vốn Agribank thực sự phát huy hiệu quả tại những vùng quê thuần nông.
Mô hình trồng nấm lâu năm của bác Nguyễn Văn Đức, xóm 14, xã Khánh Trung là một điển hình. Bác Đức phấn khởi chia sẻ: Xây dựng mô hình trồng nấm được hơn chục năm nay, cũng chừng ấy năm Agribank Yên Khánh đồng hành cùng gia đình bác.
Từ số vốn vay 120 triệu đồng của Agribank, gia đình bác có điều kiện đầu tư mở rộng lán trại từ vài trăm m2 lên đến 2.600 m2 với đủ các loại nấm được quay vòng quanh năm như: Sò, mỡ, linh chi, kim phúc, nấm rơm. Mỗi vụ gia đình xuất bán hơn 30 tấn nấm tươi các loại ở thị trường trong tỉnh và thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 300-400 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bác Đức còn tạo việc làm ổn định cho 5-6 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng mỗi tháng.
Nhờ nguồn vốn của Agribank, anh Phạm Văn Dũng, xóm 7, xã Khánh Thành đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau an toàn. Anh Dũng cho biết: Năm 2016, gia đình anh thuê 5 ha đất của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất, tập trung gọn thành một vùng.
Được Agribank Yên Khánh hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng từ chương trình chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng vốn của gia đình, anh Dũng đã thuê máy móc đào ao thả cá và cải tạo đất đai trồng rau an toàn. Hiện gia đình anh có 1,5 ha ao nuôi các loại cá truyền thống như: trôi, trắm, chép, mè. Mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 20 tấn cá thương phẩm.
Cùng với nuôi cá, anh Dũng đã phát huy tốt sự hỗ trợ về kỹ thuật của Sở Nông nghiệp & PTNT, huyện Yên Khánh trong việc triển khai thí điểm đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất rau an toàn.
Do vậy 3,5 ha còn lại của mô hình anh Dũng đều đầu tư trồng rau an toàn với các loại rau chính: mướp đắng, bí xanh, dưa chuột, mướp nhật... Bình quân mỗi tháng mô hình xuất bán 30 tấn rau an toàn cho các cửa hàng rau sạch tại Hà Nội và cho thương lái. Có thể khẳng định nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả rất tốt, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu từ 1,6-1,7 tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc là thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định.
Qua tìm hiểu thực tế một số mô hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Yên Khánh có thể thấy rõ đồng vốn của Agribank đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Ông Nguyễn Đức Chiêu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Chi nhánh huyện Yên Khánh cho biết: Agribank Yên Khánh luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và chỉ đạo của Agribank Việt Nam để đề ra mục tiêu, giải pháp kinh doanh phù hợp, đúng định hướng; đồng thời chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với thực hiện công tác chuyên môn, Chi nhánh đã ký với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ về việc thành lập và cho vay thông qua tổ vay vốn. Mô hình tổ vay vốn được ví như "cánh tay nối dài" của Agribank, đã vươn tới hầu hết các địa bàn thôn, xóm trên địa bàn huyện.
Hiện nay, Yên Khánh có 172 tổ vay vốn. Các tổ đã phối hợp với ngân hàng thực hiện tốt việc thẩm định cho vay, đôn đốc thu lãi, thu nợ và xử lý nợ quá hạn, hạn chế thấp nhất nợ xấu. Hoạt động của tổ vay vốn đã thực sự phát huy hiệu quả, khơi thông hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Trong 7 tháng đầu năm 2018 doanh số cho vay trên địa bàn huyện Yên Khánh đạt trên 894 tỷ đồng; dư nợ cho vay hơn 962 tỷ đồng, trong đó dư nợ Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ chiếm 98% tổng dư nợ.
Việc triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua cho thấy chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước đã khuyến khích, tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng vay vốn, tạo thêm động lực để người dân mở rộng quy mô, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, tạo công ăn việc làm cho người dân, cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn.
Tuy nhiên, hiện nay việc cho vay theo các chủ trương, chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là việc triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể như lĩnh vực HTX có thể được vay tối đa lên đến hàng tỷ đồng nhưng đang bị vướng, nguyên nhân chính là do hầu hết các HTX nông nghiệp không đủ điều kiện vay vốn vì thiếu hệ thống sổ sách, báo cáo tài chính, vốn lưu động hay phương án sản xuất, kinh doanh...Bên cạnh đó cho vay trang trại cũng không áp dụng được vì trên địa bàn huyện chưa có trang trại đủ tiêu chuẩn theo quy định có nhu cầu vay vốn, ngân hàng chỉ có thể áp dụng cho vay theo mô hình trang trại với mức vay thấp hơn.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Yên Khánh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng như: cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn...
Đồng thời thực hiện ưu tiên nguồn vốn cho vay các ngành nghề có lợi thế của địa phương như: chế biến nông sản, nghề làm bún bánh, trồng nấm, chăn nuôi, trồng rau an toàn....Tiếp cận, nắm bắt nhu cầu vay vốn và thực hiện rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, tạo điều kiện người dân sớm có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với công tác cho vay, Ngân hàng cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng nguồn vốn, thu hồi vốn đúng hạn, giảm tỷ lệ nợ quá hạn.
Bài, ảnh: Giáng Hương