Không ngoài dự đoán của giới chuyên môn cũng như báo giới, Viettel với 966,67 điểm, VinaPhone (620,96 điểm), MobiFone (563,91 điểm) và liên danh giữa EVN Telecom và Hanoi Telecom (430,65 điểm) đã trúng tuyển (trên thang điểm 1000). GTel và Saigon Postel chỉ được 271,50 điểm và 268,66 điểm, đành ngậm ngùi chia tay với giấc mộng 3G trên băng tần 1900 - 2200 MHz của lần cấp phép này. Tuy nhiên, để được cung cấp dịch vụ họ có thể chọn băng tần khác hoặc hợp tác với các doanh nghiệp trúng tuyển để cung cấp dịch vụ. Được biết, tổng số tiền cam kết đầu tư trong 3 năm đầu của cả 4 nhà cung cấp dịch vụ lên đến 33.822 tỷ đồng, tổng số tiền đặt cọc là 8.100 tỷ đồng. Trong đó Viettel là "đại gia" với cam kết sẽ chi 12.789 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong 3 năm đầu, và đặt cọc 4.500 tỷ đồng, bỏ khá xa cam kết của các đối thủ cạnh tranh. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 3/4, các doanh nghiệp trúng tuyển sẽ phải hoàn tất các thủ tục có liên quan như: đặt cọc, thiết lập hệ thống kỹ thuật, thiết bị....để Bộ kiểm tra và chính thức cấp giấy phép thiết lập mạng và cấp phép tần số. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Bộ sẽ thường xuyên kiểm tra xem các doanh nghiệp có thực hiện đúng các cam kết về số trạm BTS, các thiết bị hạ tầng, số vốn đầu tư...Nếu phát hiện có sự vi phạm, các doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền, tùy theo mức vi phạm. Nếu trong vòng 24 tháng mà doanh nghiệp được cấp phép không đảm bảo cung cấp dịch vụ ra thị trường đến 10% dân cư, thì sẽ bị thu hồi giấy phép. Về mức cước, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định rằng cước phí của dịch vụ thoại 3G sẽ chỉ ngang bằng với dịch vụ thoại của các mạng di động 2G hiện nay. Tuy nhiên, ưu thế chính của công nghệ 3G là các dịch vụ dữ liệu, thì sẽ do các doanh nghiệp quy định giá cước.
Theo Vietnam+