Với những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đang ngày càng khẳng định sự phát triển và sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra trong Sách Trắng 2016. Lễ công bố ấn phẩm Sách Trắng 2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 2/3, tại Hà Nội.Theo Sách Trắng 2016, Việt Nam đang trải qua những bước chuyển mình cơ bản để xây dựng nền tảng cho sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trước thềm gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cũng như trước việc triển khai các hiệp định thương mại bao gồm Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).Theo đó, Việt Nam đã có hàng loạt thay đổi về pháp lý quan trọng, với việc một số luật và quy định điều chỉnh các vấn đề về đầu tư nước ngoài, DN, bất động sản và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã có hiệu lực thi hành (kể từ tháng 7/2015).Chẳng hạn, như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mua bán và sáp nhập DN, rút ngắn thời gian cấp phép theo quy định, giảm số lượng các lĩnh vực ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Hay Luật Nhà ở sửa đổi đã cho phép người nước ngoài được thuê, mua, sở hữu bất động sản tại Việt Nam…Bên cạnh hàng loạt thay đổi về pháp lý, Việt Nam còn có nhiều lợi thế để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ví dụ như, Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng" với 25% trong tổng số 90 triệu dân ở độ tuổi từ 10-24 tuổi. GDP bình quân đầu người đang tăng nhanh do Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (trung bình khoảng 12,9% mỗi năm trong giai đoạn 2012-2020).Ngoài ra, Việt Nam ở vị trí cầu nối và trung tâm trong khu vực ASEAN, nên ngày càng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn làm trung tâm hoạt động để cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho khu vực Mê Kông và các khu vực xa hơn…Đặc biệt, theo Sách Trắng 2016, nét đặc trưng hấp dẫn của Việt Nam được thể hiện qua sự chào đón một cách rộng rãi FDI vào các hoạt động sản xuất. Cụ thể, trong một số lĩnh vực, pháp luật trong nước đã nới rộng khả năng tiếp cận thị trường còn vượt ra ngoài các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ví dụ, tăng cổ phần nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng (trước đây là 49%, hiện nay đã có thể lên tới 100%); Việt Nam cũng áp dụng các ưu đãi đầu tư bao gồm cắt giảm thuế trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ môi trường, nông nghiệp…Tuy nhiên, theo nhóm soạn thảo Sách Trắng, mặc dù vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang có những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn một số vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường kinh doanh của Việt Nam cần được tiếp tục cải thiện. Ví dụ, các chuẩn mực kiểm toán và báo cáo còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập DN còn rườm rà…vẫn là những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.Bà Nicola Connolly, Chủ tịch EuroCham chia sẻ: Suốt 1 năm vừa qua, EuroCham đã ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực và đổi mới từ phía Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm nhằm duy trì những thành quả đã đạt được, cũng như đưa ra những nhận định sâu sắc hơn về thị trường đầu tư và thương mại. Khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý của EuroCham, luôn ở mức ổn định và trong những quý gần đây, đặc biệt, tăng cao vào quý cuối cùng của năm 2015 (đạt 82 điểm), cho thấy sự cải thiện đáng kể trong niềm tin vào tình hình kinh doanh tại Việt Nam của các DN thành viên EuroCham.
Theo Dangcongsan.vn