Phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội này ngày 6/6, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng sự kiện này đồng thời khẳng định nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến các vấn đề pháp lý toàn cầu, vì hòa bình, ổn định, chống khủng bố, ủng hộ việc phát triển và bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. Diễn ra từ ngày 6 đến10/6, với sự góp mặt của đông đảo giới luật gia quốc tế và Việt Nam, Đại hội Hội Luật gia Dân chủ quốc tế lần thứ 17 này có chủ đề: "Pháp luật và các luật gia trong bối cảnh toàn cầu hóa: vì hòa bình, phát triển và sự độc lập của hoạt động tư pháp." Liên quan đến chủ đề của Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của quá trình cải cách tư pháp đang được triển khai tại Việt Nam. Chủ tịch cho biết Việt Nam đã hoạch định một bản chiến lược dài hạn trong lĩnh vực này, tiến hành cuộc cải cách tư pháp được 5 năm và thu được những kết quả tích cực. Thừa nhận những thành tựu này mới chỉ là bước đầu trong quá trình hoàn thiện chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng thẳng thắn: "Trong tầm nhìn trung tâm của chúng tôi vẫn là những đòi hỏi bức xúc về sự củng cố và phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả, có trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân." Chủ tịch đánh giá cao việc Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đã tổ chức Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong tháng 5 vừa qua. Cũng đề cập đến vấn đề chất độc da cam/dioxin, trong lời phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế Jitendra Sharma nhấn mạnh đến hậu quả và tác động lâu dài của những chất độc hóa học quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Nhắc lại kết luận của Tòa án lương tâm vừa diễn ra tại Paris, cho rằng các nạn nhân Việt Nam cần được bồi thường và khuyến nghị nghị thành lập một ủy ban công tác về chất độc da cam tại Việt Nam, ông Jitendra Sharma mong muốn chính phủ Việt Nam sớm xem xét khuyến nghị này để có sự cứu trợ các nạn nhân. Về Đại hội lần này, Chủ tịch Hội Jitendra Sharma kêu gọi các đại biểu dành sự quan tâm đến nhiều vấn đề "nóng" đang diễn ra trên toàn cầu như khủng hoảng kinh tế đe dọa người nghèo, tình hình Trung Đông tiếp tục xấu hơn và có nguy cơ bùng nổ cao, nạn khủng bố và trào lưu tôn giáo chính thống đe dọa dân chủ, nhân quyền, sự độc lập trong hoạt động xét xử đang bị xâm hại... Đại hội sẽ có 5 ngày thảo luận với các phiên họp của 6 ủy ban, phiên họp của Đại hội đồng, phiên họp toàn thể và sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội vào phiên bế mạc, chiều 10/6. Hội Luật gia Việt Nam được thành lập năm 1955 và được kết nạp vào Hội Luật gia Dân chủ quốc tế ngay sau đó. Đây là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm công tác pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, giám sát việc thực thi pháp luật, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp lý cho người nghèo.
Theo Vietnam+