Từ các hành vi vi phạm của Doanh nghiệp
Sự việc Công ty cổ phần du lịch Tràng An (sau đây gọi là Công ty Tràng An) có hành vi xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ, thuộc Quần thể danh thắng Tràng An ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư thời gian qua gây xôn xao dư luận và tốn không ít giấy, mực của các cơ quan báo chí. UBND tỉnh đã quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh để tiến hành thanh tra những hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Công ty Tràng An.
Qua thanh tra cho thấy Công ty Tràng An có nhiều sai phạm. Trước hết là hành vi xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ, xã Trường Yên (Hoa Lư). Công ty Tràng An không được Nhà nước giao, cho thuê, sử dụng mà đã thực hiện xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ làm cho diện tích đất, rừng đặc dụng, núi đá thuộc di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới bị xâm hại.
Trong thời gian gần 7 tháng xây dựng, các cơ quan Nhà nước đã kiểm tra, phát hiện và có nhiều văn bản xử lý vi phạm, yêu cầu dừng xây dựng nhưng Công ty Tràng An không chấp hành, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Tiếp đến là hành vi xây dựng các công trình trái phép trên diện tích đất không được Nhà nước giao quyền sử dụng đất tại khu vực núi Cái Hạ gồm: nhà hai tầng; bếp; bể nước; bồn hoa; nhà bán hàng lưu niệm; nhà mái ngói một tầng; cổng ra, vào Công ty; bến đò…
Cùng với các hành vi xây dựng trái phép trên, Công ty Tràng An còn có các vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Cụ thể là vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động doanh nghiệp.
Từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 3/4/2007, cấp thay đổi lần 2 ngày 20/5/2013 với 10 ngành nghề kinh doanh, Công ty chưa công khai thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; chưa lập sổ đăng ký cổ đông; chưa tiến hành đại hội cổ đông thường niên; không tổ chức công tác kế toán theo quy định, tổ chức vận tải hành khách đường thủy nội địa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, Công ty còn vi phạm các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bệnh nghề nghiệp.
Công ty ký hợp đồng lao động với người lao động không đúng nội dung hợp đồng lao động; chưa thực hiện việc xây dựng và đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh; chưa thực hiện các báo cáo về khai trình sử dụng, thay đổi lao động, báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động; chưa xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, chưa đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động; chưa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Ngoài ra, Công ty Tràng An còn vi phạm các quy định của pháp luật về tổ chức vận tải hành khách đường thủy nội địa; vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý du lịch và văn hóa. Đặc biệt, Công ty đã vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, thuế.
Từ khi thành lập, Công ty không tổ chức công tác kế toán theo quy định, không có hệ thống sổ sách theo dõi, chỉ nộp thuế môn bài, không nộp bất cứ khoản nào khác cho Nhà nước; việc tự in, phát hành trái phép giấy có mệnh giá 45.000 đồng/lượt khách để thu dịch vụ sử dụng đò là vi phạm các quy định của pháp luật….
Có thể nói, Công ty Tràng An có nhiều hành vi vi phạm cả trong lĩnh vực xây dựng và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Điều đáng nói là sau khi được Đoàn thanh tra chỉ rõ các vi phạm, Công ty Tràng An đã tập trung khắc phục hậu quả, có việc đã xong, có việc đang tiến hành và có việc tiến hành chậm so với kế hoạch đề ra.
Đến sự buông lỏng công tác quản lý Nhà nước của các cơ quan
Việc vi phạm của Công ty Tràng An như đã nói ở trên có một phần nguyên nhân là do một số sở, ban, ngành và địa phương đã buông lỏng quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực là: quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý di sản, quản lý du lịch, quản lý văn hóa, quản lý xây dựng, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, lao động, bảo hiểm xã hội… trong một thời gian tương đối dài.
Điểm du lịch Tràng An cổ đã mở cửa, đón khách du lịch trong nhiều năm. Chỉ đến khi Công ty Tràng An xây dựng công trình trái phép mà nhiều người gọi là "vạn lý trường thành" trên núi Cái Hạ thì sự việc mới được kiểm tra làm rõ ra hàng loạt các vi phạm của Công ty.
Cũng rất may là trong nhiều năm, Công ty đã tổ chức đón khách thăm quan, chở khách bằng thuyền, đò mà người chèo đò chưa được cấp giấy chứng nhận điều khiển phương tiện và con đò chở khách chưa được đăng ký, đăng kiểm, nhưng chưa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào. May hơn nữa là UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo kịp thời đình chỉ các hoạt động của Công ty Tràng An đúng lúc.
Nếu chậm trễ, khi công trình xây dựng trên núi Cái Hạ hoàn thành và đưa vào khai thác, không biết điều gì sẽ xảy ra khi có nhiều khách du lịch đi trên các bậc thang để lên núi mà chất lượng công trình chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm nghiệm. Ai dám chắc không có chuyện gì xảy ra khi có đông du khách đi trên các bậc lên núi hoặc tựa lưng vào các tay vịn lan can do Công ty Tràng An xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ để chụp ảnh làm kỷ niệm?
Nếu các bậc thang lên núi hoặc tay vịn gãy đổ, sẽ là một thảm họa khôn lường. Chuyện đó chưa xảy ra nên có thể có và có thể không, nhưng chuyện tốn kém, lãng phí tiền của, công sức của doanh nghiệp nói riêng và của toàn xã hội nói chung là trông thấy cụ thể. Công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ và những công trình xây dựng trái phép trên đất không được Nhà nước giao quyền sử dụng đất của Công ty Tràng An ước đến hàng chục tỷ đồng.
Nếu như các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là một số sở, ban, ngành của tỉnh và UBND huyện Hoa Lư, UBND xã Trường Yên phối hợp chặt chẽ, xử lý kiên quyết hơn thì đã không để xảy ra mất tiền bạc, công sức và thời gian của cả doanh nghiệp và của nhiều người như thế.
Rõ ràng, để công trình xây dựng trái phép của Công ty Tràng An làm trong một thời gian dài vừa gây lãng phí tiền bạc và công sức lao động, vừa tạo dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch và việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An là có một phần trách nhiệm do buông lỏng quản lý của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước.
Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là xác định trách nhiệm và xử lý việc thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị liên quan như thế nào khi để một doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều vi phạm và vi phạm trong thời gian kéo dài như thế? Mong muốn của cán bộ, đảng viên là phải xử lý nghiêm những cán bộ buông lỏng hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước.
Được biết, theo yêu cầu của UBND tỉnh, trong thời gian tới, thủ trưởng một số sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị sẽ phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ mức độ vi phạm, xác định trách nhiệm, khuyết điểm, đề xuất hình thức xử lý người đứng đầu, các tập thể và cá nhân có liên quan, đặc biệt là việc xử lý thiếu triệt để, kém hiệu quả, kéo dài đối với công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ của Công ty Tràng An. Đây có lẽ là một bài học đắt giá cho các cơ quan và những người làm công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn và lĩnh vực được phân công.
Nguyễn Đông