Ở Hội người mù tỉnh, cặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên và Trần Văn Cư luôn được mọi người yêu mến và cảm phục. Bởi ngoài nghị lực vươn lên trong cuộc sống, họ còn có một gia đình nhỏ hạnh phúc với cô con gái 4 tuổi. Mỗi ngày, được nghe tiếng con trẻ bi bô kể chuyện trường, chuyện lớp mà cả hai vợ chồng anh Cư trào nước mắt. Cái hạnh phúc ấy đang hiện hữu mà nhiều lúc anh vẫn cứ giật mình ngỡ đó chỉ là một giấc mơ. Sinh ra tại xã Gia Phương, huyện Gia Viễn. Do ảnh hưởng từ người cha bị nhiễm chất độc hóa học mà anh Trần Văn Cư bị khiếm thị từ nhỏ. "Nhiều lúc mặc cảm lắm. Mặc cảm với cả anh, chị em ruột nhà mình. Tôi không thể đến trường, vì vậy tương lai trước mắt thực sự rất mù mịt. Lẽ nào tôi cứ sống nhờ sự nuôi nấng của bố mẹ? suy nghĩ đó làm tôi cảm thấy thật bi quan" - anh Cư trải lòng.
Thế rồi, 15 tuổi, anh Cư đăng ký tham gia vào lớp học xoa bóp bấm huyệt do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Cần cù học hỏi, đến nay tay nghề của anh rất khá. Khách hàng tìm đến với anh không ngớt vì vậy mà nguồn thu nhập của anh rất ổn định. Không những lo được cho bản thân, anh Cư còn phụ giúp bố mẹ lo ăn học cho các anh chị em khác trong gia đình, dần dần anh đã tìm lại được sự lạc quan vào cuộc sống.
Và rồi anh Cư đã gặp chị Nguyễn Thị Liên, cũng là một người bị khiếm thị, cùng làm việc ở Hội Người Khuyết tật tỉnh. Cuộc tình đẹp giữa hai người khuyết tật đã đơm hoa kết trái thành một gia đình hạnh phúc vào năm 2012. Và hiện nay, trong ngôi nhà thuê nho nhỏ, nhưng gọn gàng, ngăn nắp ấy luôn đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ và đôi vợ chồng khuyết tật.
Từ khi lọt lòng mẹ, anh Đinh Văn Toàn, xã Gia Vượng (huyện Gia Viễn) đã là đứa trẻ kém may mắn bởi đôi chân tật nguyền. Vượt qua mặc cảm, Toàn vẫn cắp sách đến trường, nhưng rồi, chưa kịp tốt nghiệp THCS, việc học của anh đành dang dở khi bố anh qua đời sau cơn bạo bệnh. Mẹ của Toàn cũng đau yếu luôn. Gánh nặng mưu sinh đặt lên vai cậu bé tật nguyện.
Toàn kể lại: Đó là thời khắc khó khăn nhất đối với tôi. Mặc dù chính quyền địa phương, bà con hàng xóm chung tay giúp đỡ, song khó khăn cũng chỉ vợi bớt được phần nào. Tôi nghĩ, chỉ có đi làm mới mong có thu nhập ổn định để tự nuôi mình và phụng dưỡng mẹ già. Nhưng đi xin việc chẳng ai muốn nhận vì sức khỏe của tôi không tốt trong khi tôi lại chẳng biết nghề gì.
Trong lúc gần như tuyệt vọng thì may mắn tôi được chọn đi học lớp vi tính do Phòng Lao động Thương binh và Xã hội của huyện tổ chức. Kết thúc khóa học, tôi và mấy người bạn nữa thuê địa điểm ở ngoài thị trấn để mở hiệu photo, đánh máy vi tính.
Ban đầu, chúng tôi được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng bên cạnh đó lại được hỗ trợ máy vi tính, máy phô tô. Cửa hàng hoạt động tốt nên thu nhập cũng khá ổn định.
Quan trọng hơn cả, khi có nghề và tự lo cho bản thân thì anh Toàn càng thêm tự tin hòa nhập với cộng đồng. Chính niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống của chàng trai trẻ tật nguyền đã làm rung động trái tim cô công nhân đang độ tuổi mười tám Bùi Thị Thu.
Hai người đã nên duyên và có một cô con gái nhỏ. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ còn nhiều khó khăn khi mẹ của anh Toàn phải thường xuyên đi chạy thận nhân tạo. Song tình yêu chân thành đã giúp cả hai anh chị vượt qua khó khăn, cùng chung tay chăm lo cho mẹ già và chăm sóc con trẻ.
Những năm qua, để người khuyết tật có thêm cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Một số tổ chức kinh tế, xã hội đã quan tâm và giúp đỡ người khuyết tật về vốn và tạo việc làm.
Cùng với đó, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật, tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí để tập luyện các môn thể thao- văn nghệ cho người tàn tật và tổ chức các đoàn vận động viên tham gia Hội thi thể thao-văn nghệ các cấp …Từ những hoạt động thiết thực này, tâm hồn những người khuyết tật như được sưởi ấm hơn, họ khát khao vươn tới một hạnh phúc trọn vẹn hơn - hạnh phúc của lứa đôi, gia đình.
Nguyễn Hùng