Bà Nguyễn Thị Thụy, phố 3, đường Chiến Thắng, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Vào ngày 22-4, thấy người hàng xóm thông báo có giun trong nước dùng của gia đình, bà tiến hành xả nước tại chậu rửa của gia đình mình thì phát hiện cũng thấy hiện tượng như trên. Những sinh vật lạ thường nhỏ như que tăm, có màu đỏ, khi động vào co lại nằm im không động đậy... Gia đình bà Thụy có một bể chìm, khoảng không trên sân thượng đặt một téc nước trọng lượng khoảng 1,5 m3, thông thường 1 năm vệ sinh các bể một lần. Trước tình trạng xuất hiện giun trong nước, gia đình bà đã tiến hành thau rửa kỹ các bể, đồng thời thực hiện kiểm tra thường xuyên hàng ngày thì thấy không xuất hiện tình trạng như trên nữa. Không xa gia đình nhà bà Thụy, và cùng dùng chung đường ống nước của phố, nhưng khi hỏi về thực trạng nước đối với gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh thì được biết, nước nhà anh vẫn trong, sạch như trước đây nên gia đình rất yên tâm sử dụng. Đặc biệt, anh Hạnh còn cho biết, đã khá lâu, có lẽ đến gần chục năm, gia đình chưa thau rửa, vệ sinh téc nước do công việc bận rộn và téc nước để quá cao, việc vệ sinh không được thuận lợi. Nguồn nước của gia đình anh Hạnh được thực hiện theo công đoạn: nước của nhà máy được bơm lên téc, rồi từ téc theo vòi chảy xuống các dụng cụ chứa nước sử dụng trong gia đình.
Hiện tượng nước màu vàng, có giun cũng xảy ra đối với gia đình chị Lê Thị Vân Anh, đường 2, Nguyễn Thái Học, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình). Gia đình chị Vân Anh có một bể ngầm dự trữ nước và một téc chứa nước sinh hoạt hàng ngày. Bằng mắt thường quan sát nhận thấy, bể ngầm khá ẩm thấp, xung quanh bể có nhiều mảng bám màu đen, nước dự trữ thường để lâu năm không được vệ sinh thường xuyên. Theo chị Vân Anh, khi phát hiện nước có màu vàng và sinh vật lạ như giun, chị đã phản ánh với Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình. Ngay sau đó, Công ty đã cử cán bộ xuống tiếp nhận ý kiến trên, kiểm tra và lấy mẫu nước về xét nghiệm. Gia đình chị cũng tiến hành thau rửa téc đựng nước thì hiện tượng trên đã ít đi. Mong muốn của chị Vân Anh là các cơ quan chức năng phải kiểm tra, xét nghiệm và có nhanh kết quả các mẫu nước để người dân yên tâm sử dụng.
Điều đặc biệt là, cùng một đường ống nước, hai gia đình dùng chung, nhưng nước của gia đình ông Lê Văn Thân - nhà bên cạnh lại không hề có hiện tượng như gia đình chị Lê Thị Vân Anh. Ông Thân sử dụng nguồn nước trực tiếp từ đường ống của Công ty, nhìn bằng mắt thường, nước vẫn đảm bảo trong, sạch, không có sinh vật lạ. Trong khi tại gia đình chị Vân Anh, chúng tôi chứng kiến nước xả từ téc xuống bể rửa mặt vẫn có những con giun màu đỏ và nước có màu hơi vàng so với bình thường.
Được biết, trong thời gian từ khoảng giữa đến cuối tháng 4-2016, khá nhiều người dân ở một số xã, phường trên địa bàn thành phố Ninh Bình đang sử dụng nước của Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình phản ánh tình trạng nước tại gia đình mình không đảm bảo vệ sinh, thường có màu hơi vàng, xuất hiện những con giun đỏ, mùi khác lạ… Người dân hoang mang lo lắng bởi nước sạch không chỉ là nhu cầu cần thiết hàng ngày mà có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống, sinh hoạt. Dùng nước không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nhiều bệnh từ ngoài da đến đường ruột… Trong khi hàng tháng người dân bỏ tiền ra mua nước sạch, do đó nhu cầu được sử dụng nước sạch là yêu cầu chính đáng và cần được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm, giải đáp.
Qua tìm hiểu tại các hộ gia đình đã có ý kiến, kiến nghị với Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình nhận thấy, hầu hết người dân ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Công ty bằng việc cử cán bộ xuống nắm tình hình, kiểm tra sơ bộ ban đầu các đường ống nước, bể chứa của hộ dân và phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Ông Đinh Ngọc Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình cho biết: Trước thực trạng hàng chục ngày nay, mỗi ngày có từ 2-3 hộ gia đình gọi điện đến Công ty phản ánh tình trạng nước tại gia đình xuất hiện điều không bình thường như nước có giun nhỏ, màu đục, mùi tanh…, Công ty đều cử cán bộ đến tìm hiểu, nắm bắt nhằm tìm ra nguyên nhân để tìm cách xử lý, khắc phục. Cùng với đó, Công ty tiến hành các biện pháp cấp thiết như rà soát lại quy trình sản xuất nước sạch, các quá trình sử dụng công nghệ; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẩn trương lấy các mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân…
Với các giải pháp trên, quy trình sản xuất và cung cấp nước của Công ty vẫn được thực hiện nghiêm túc và đúng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, với công suất 20 nghìn m3/ngày-đêm, Công ty thực hiện lấy nước từ giữa lòng sông Đáy dẫn về nhà máy bằng hệ thống ống ngầm. Từ đó, nước được đưa thẳng đến khu xử lý. Nguồn nước sau khi sản xuất ra được đội ngũ cán bộ làm công tác xét nghiệm, test các tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng cung cấp đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đội ngũ kiểm nghiệm của Công ty, hàng tháng, theo định kỳ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều lấy mẫu nước để xét nghiệm các tiêu chuẩn, chỉ số. Kết quả, nguồn nước cung cấp cho nhân dân được kiểm nghiệm định kỳ đều đạt chất lượng, đảm bảo an toàn trước khi được đưa đến người sử dụng.
Trao đổi với đồng chí Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và để đảm bảo tính minh bạch đối với kết quả xét nghiệm, hàng tháng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều cử cán bộ phối hợp với Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình tiến hành lấy mẫu nước tại các đầu vòi cấp nước của các hộ sử dụng nước (nước của Công ty cổ phần cấp thoát nước), có sự giám sát của các hộ dân. Định kỳ hàng tháng, Trung tâm phối hợp với Công ty tiến hành lấy mẫu giám sát chất lượng nước. Ngoài các chỉ số mức độ A của Qui chuẩn Việt Nam (QCVN) số 01: 2009/BYT, Trung tâm xét nghiệm một số chỉ số kim loại nặng: Asen, chì, thủy ngân, ba tháng một lần.
Trước những kiến nghị của các hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố trong thời gian từ giữa tháng 4-2016, ngày 20-4-2016, Trung tâm đã tiến hành lấy 1 mẫu vòi đầu tại Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình; 1 mẫu nước vòi cấp vào gia đình ông Nguyễn Thành Trung, khu tập thể trường Đại học Hoa Lư; 1 mẫu nước vòi cấp số nhà 60, ngõ 70, Phạm Văn Nghị, phường Đông Thành. Ngày 25-4-2016, theo phản ánh của nhân dân, Trung tâm Y tế dự phòng cùng với cán bộ của Công ty Cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình tiến hành giám sát và lấy mẫu tại một số hộ dân phố Bạch Đằng, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình. Tất cả các mẫu nước lấy xét nghiệm đều không phát hiện sinh vật lạ trong nước.
Kết quả xét nghiệm nước thành phẩm cấp cho các hộ dân (vòi đầu nhà máy và vòi cấp tại hộ dân cho thấy, các kết quả xét nghiệm mẫu nước thành phẩm của Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình (các mẫu vòi đầu và vòi cấp) có giá trị các chỉ số dao động không lớn và trong giới hạn cho phép của QC 01: 2009/BYT. Đối với các kết quả mẫu nước lấy tháng 4 (lấy ngày 20 và ngày 25) cho thấy, giá trị các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép của QC 01:2009/BYT. Chỉ số độ đục và chỉ số pecmanganat có giá trị lớn hơn các tháng trước, nhưng vẫn trong giới hạn cho phép.
Kết quả mẫu nước lấy từ téc chứa nước hộ nhà bà Trần Thị Thúy, số nhà 27, đường 3, phố Bạch Đằng, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho thấy, chỉ số pecmanganat vượt giới hạn cho phép của QC 01: 2009/BYT và vượt giá trị của kết quả mẫu nước lấy tại vòi cấp của hộ này. Điều này khẳng định chỉ số pecmanganat - hàm lượng hữu cơ tăng do tái ô nhiễm (có thể do cách bảo quản nước sinh hoạt của hộ dân hoặc do dụng cụ chứa đựng không được vệ sinh thường xuyên, không có nắp đậy), nếu không có biện pháp khắc phục sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, gây ảnh hưởng tới chất lượng nước.
Trước những kết quả xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã kiến nghị với Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình cần tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nước nguyên liệu, có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện chất lượng nguồn nước thay đổi. Đồng thời tăng cường công tác tự kiểm tra chất lượng nước thành phẩm, từ đó đưa ra các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chất lượng nước cho cộng đồng.
Đối với các hộ gia đình sử dụng nước trên địa bàn, Trung tâm cũng khuyến cáo các hộ gia đình tăng cường công tác vệ sinh dụng cụ chứa đựng (téc đựng nước, bể chứa) tránh gây tái ô nhiễm, ảnh hưởng tới chất lượng nước, ảnh hưởng tới sức khỏe khi sử dụng. Cùng với đó, các dụng cụ chứa đựng cần đảm bảo có nắp đậy kín, có biện pháp ngăn côn trùng hoặc sinh vật xâm nhập vào dụng cụ chứa đựng…
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh