Trao đổi cùng chúng tôi về tình hình kinh tế - xã hội của xã, đồng chí Đinh Thị Nhung, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, điều kiện tự nhiên ở Văn Phương khá phức tạp, có cả bán sơn địa, đồng bằng và vũng trũng, là một xã thuần nông nhưng lại có tới 6/7 thôn điều kiện canh tác phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, năng suất cây trồng thấp, vì vậy trước đây cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng bám lấy vùng đất này. Thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy và Đề án số 15 của UBND tỉnh, Đảng bộ xã đã tập trung xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo với các chỉ tiêu cụ thể, đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã. Trong đó, xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ trọng tâm. Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể giao nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể cho từng thôn, xây dựng phương hướng phát triển cây lương thực theo hướng mở rộng diện tích lúa lai, lúa cao sản.
Đối với diện tích chuyên màu và diện tích khó khăn về nước tưới tiến hành chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng mở rộng diện tích các loại cây màu như ngô, lạc, khoai lang Nhật Bản, dưa hấu, gấc, sắn... nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, quyết tâm không để đất hoang. Hàng năm, xã tích cực phối hợp với các ngành chức năng như Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm thú y huyện, các Trung tâm dạy nghề thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phát triển vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển các nghề mới phù hợp với điều kiện của xã như: đan bèo bồng, trồng nấm rơm, may xuất khẩu... Các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động liên hệ và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 725 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ đạt trên 7,2 tỷ đồng.
Với đặc điểm địa hình đa dạng có cả vùng trũng lẫn bán sơn địa, có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo quy mô hàng hóa, do vậy Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo chính quyền tạo mọi điều kiện về đất đai, tiếp cận vốn ưu đãi, hỗ trợ chuyển giao KHKT giúp các hộ dân sử dụng diện tích mặt nước hồ, mặt nước hoang, diện tích đất ven đồi, ven núi để phát triển kinh tế trang trại với các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là nhím, lợn rừng, cá sấu, thỏ lai, gà thả vườn. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm như các hộ ông Nguyễn Đình Vuông, thôn Xuân Viên; Trần Văn Nho thôn Sui; Đinh Văn Thơ, thôn Bồng Lai; Hoàng Thế Quang, thôn Tiền Phương 2...
Thực hiện Đề án 02 của Thường trực HĐND tỉnh và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy xã đã tích cực chỉ đạo các thôn rà soát, lập danh sách hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, xây mới nhà dột nát. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng với tinh thần "Tương thân tương ái", sau khi các thôn tổ chức bình xét hộ cần được giúp đỡ xóa nhà tranh, các hoạt động trợ giúp xây nhà mới được triển khai sôi nổi. Người góp ngày công, hộ thì góp kinh phí... cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của các cấp, các ngành, xã đã triển khai xây mới và sửa chữa được 101 nhà cho các hộ nghèo và gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở. Bằng nhiều giải pháp giảm nghèo đồng bộ, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Văn Phương đã giảm xuống còn 10,3% theo tiêu chí giai đoạn 2006-2010 (giảm 12% so với năm 2007).
Cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy xã thường xuyên chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa kết hợp với tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của cấp trên, Văn Phương đầu tư nâng cấp, xây mới hàng chục phòng học, phòng chức năng trường Tiểu học và trường Mầm non, trong đó trường Tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Các hoạt động văn hóa, thể thao được chú trọng, 7/7 thôn đã có nhà văn hóa làm điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân trong thôn. Các thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được duy trì, hàng năm có 82% hộ trong xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa. An ninh - quốc phòng trên địa bàn xã được giữ vững, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định...
Quốc Khang