Tổ chức lãng phí Tôi đã từng đi đám cưới ở nhiều nơi, nhưng khi về quê mình thì nhận thấy những đám cưới ở quê mình to thật, ăn uống cứ phải linh đình và kéo dài trong vài ngày liền. Bác An ở xã Sơn Hà (Nho Quan) vừa cưới vợ cho cậu con trai cho biết: "Vừa qua nhà tôi có việc, cả gia đình bận luôn chân, luôn tay, riêng việc bắc rạp đã tiến hành trước đó một ngày, mọi người đến giúp việc nấu nướng, dọn dẹp, trang trí cũng phải bày biện mươi mâm một bữa. Sau khi mọi việc hoàn tất một vài ngày lại tiếp tục làm cơm nhà bếp để cảm ơn, ước chừng cả cái đám cưới cũng phải hơn trăm mâm cỗ. Nhưng đây đã trở thành cái lệ làng rồi, hầu như gia đình nào cũng phải làm đầy đủ không mọi người sẽ trách móc".
Hiện nay nhiều gia đình còn phô trương bằng việc tặng quà bằng hiện vật như vàng bạc, đồ trang sức cho cô dâu, chú rể ngay tại hôn trường cưới tạo thành một phong trào khiến nhiều ông bố, bà mẹ dù hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn cũng phải cố vay mượn hoặc bán trâu, bán bò đi để có quà cho con cái. Ông Thắng ở Yên Sơn (thị xã Tam Điệp) cho biết: "Nhà tôi có 2 đứa, vừa rồi gả chồng cho đứa con gái lớn, tiền tổ chức cũng chưa đủ, nhưng tôi vẫn phải chạy vạy khắp nơi để mua 3 chỉ vàng làm quà hồi môn cho con, thằng út còn đang đi học chưa có tiền nhưng chẳng nhẽ chị cưới mà em không có quà nên tôi lại phải mua thêm cho nó một chỉ vàng nữa để nó mừng hạnh phúc anh chị."
Đó là ở góc độ gia đình, còn đối với cô dâu, chú rể họ cũng tiêu tốn những khoản tiền không nhỏ cho việc mua sắm, thuê đồ cưới và chụp ảnh dã ngoại. Vẫn biết cần lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của tình yêu, nhưng việc chi ra gần 10 triệu đồng cho một bộ ảnh cưới dã ngoại có lẽ không thực sự cần thiết. Phạm Văn Toàn tại xã Sơn Hà (Nho Quan) cho biết: "Mình mới lấy vợ, riêng tiền ảnh đã mất gần chục triệu, lúc đầu thì thích lắm nhưng chỉ xem một vài lần là cũng để một chỗ".
Việc tổ chức rềnh rang, kéo dài không chỉ gây lãng phí mà còn mang đến sự mệt mỏi đối với những gia đình có việc hay những người đến giúp việc, nhiều người nói vui rằng, chỉ đi ăn cỗ thôi cũng đã đủ mệt lắm rồi. ấy thế mà đám nào cũng vậy, cũng phải đầy đủ thủ tục từ cơm bắc rạp tới cơm nhà bếp mới xong.
Tới việc bài bạc, nhảy nhót, đánh nhau...
Đây dường như là một phần không thể thiếu trong những đám cưới nông thôn. Vào buổi tối trước ngày tổ chức hôn lễ, các chiếu bạc được mở ra ngay tại các bàn uống nước trong đám cưới và tổ chức khá công khai với đầy đủ quy mô lớn bé và đầy đủ thành phần tham gia từ già trẻ, gái trai. Những chiếu bạc này thường được mở từ đêm đến sáng và có mức độ sát phạt khác nhau. Có những chiếu chơi vui với vài ba chục ngàn, cũng có những chiếu lên tới tiền trăm thậm chí tiền triệu. Vấn đề đáng nói ở đây là việc đánh bài tại hầu hết các đám cưới ít bị bắt giữ hay nhắc nhở. Nếu như ngày thường việc đánh bạc sẽ bị bắt và tịch thu toàn bộ số tiền trên chiếu bạc thì ở những đám cưới những chiếu bạc thường khá thoải mái với tâm lý ngày cưới ai người ta bắt bớ làm gì. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc bài bạc dường như đã là một phần không thể thiếu của các đám cưới nông thôn.
Ngoài việc bài bạc thì hiện nay tại các đám cưới ở nông thôn, các thanh niên thường biến hôn trường thành sàn nhảy bất cứ mọi lúc mọi nơi, thậm chí mỗi thôn còn có hẳn một vũ đoàn cho riêng mình. Chỉ cần tiếng nhạc nổi lên là những thanh niên này bắt đầu biểu diễn những động tác uốn éo, nhảy nhót như lên đồng. Tôi đã từng chứng kiến những đám cưới mà người nhà ra yêu cầu dừng nhạc và dừng nhảy nhưng không được bởi một khi những vũ công đã bắt đầu "quẩy" thì họ khó dừng lại. Họ tiếp tục uốn éo, hò hét những vũ điệu mà tự mình sáng chế ra. Cũng có những đám cưới dở khóc dở cười khi một thanh niên lên tự giới thiệu là người yêu cũ của cô dâu lên hát tặng bài hát cho người yêu cũ của mình cùng vũ đoàn là những người bạn. Những ca từ, những điệu nhảy không khỏi khiến nhiều người đỏ mặt và chỉ biết cười trừ và điều ấy khiến cho không khí đám cưới bỗng chốc giống như một vở hài kịch, có tiếng cười đấy nhưng lại mất đi sự trang nghiêm cần phải có của một lễ thành hôn.
Cũng chính việc bài bạc, nhảy nhót là nguồn căn của những mâu thuẫn dẫn đến những cuộc ẩu đả, tình trạng thanh niên đánh nhau chỉ vì một câu nói bông đùa hay vì một ván bạc gian lận xuất hiện ngày một nhiều tại các đám cưới. Điều này khiến cho những gia đình hay những cô dâu, chú rể luôn trong tình trạng lo lắng cho ngày lễ thành hôn của mình, chỉ khi nào mọi việc hoàn thành thì họ mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Thiết nghĩ để các đám cưới ở những vùng nông thôn trở nên văn minh hơn, vui vẻ hơn. Mỗi gia đình, mỗi công dân cần tự ý thức được trách nhiệm của mình không chạy theo xu thế, ganh đua. Các cấp chính quyền cũng cần vào cuộc siết chặt quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền và có những biện pháp xử lý, có tính răn đe đối với những đối tượng đánh bạc hay ẩu đả trong các đám cưới. Chỉ có như thế văn hóa đám cưới ở nông thôn mới được trả về chúng với những giá trị của nó.
Bài, ảnh: Đàm Văn Nghị