Có hay không việc sử dụng chất kích thích trong chăn nuôi ở Ninh Bình?
Trả lời câu hỏi này, ông Đào Thắng, chủ "lò mổ" ở phố Nam Thịnh, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình cho biết: Hiện nay hầu hết thịt lợn tiêu thụ trên thị trường Ninh Bình có nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn. Những trang trại này đều cho ăn thức ăn tăng trọng nên đàn lợn phát triển nhanh để đảm bảo thu hồi vốn. Một số gia đình còn sử dụng các chất phụ gia trong chăn nuôi để đàn lợn có tỷ lệ nạc cao, thời gian chăn nuôi ngắn, lợn ăn không nhiều nhưng vẫn lớn nhanh. Không biết các thức ăn tăng trọng và các chất phụ gia này có tác động đến sức khỏe con người hay không nhưng được người chăn nuôi sử dụng khá phổ biến. Mặt khác, ở các bao bì đựng thức ăn chăn nuôi có ghi rõ thời gian dừng sử dụng trước khi xuất chuồng nhưng không ai có thể biết được họ có thực hiện theo hướng dẫn sử dụng hay không. Số lượng thịt lợn được nuôi theo phương pháp truyền thống hiện nay còn rất ít. Có chăng nữa thì họ cũng để tự tiêu dùng, vì hiện nay người dân còn hoài nghi về độ an toàn của các loại thực phẩm bày bán ở các chợ.
Ông Đinh Văn Dự, chủ trại chăn nuôi ở thôn La Phù (xã Ninh Giang, Hoa Lư) hiện nay có đàn lợn khoảng trên 70 con. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm đàn gà, ngan, vịt. Nhà chạy máy xay xát nên có lượng cám gạo khá dồi dào, trước đây ông thường dùng cám này nấu với bã đậu và thức ăn dư thừa của một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cho lợn ăn. Gần đây, ông thấy một số công ty đến tiếp thị thức ăn gia súc và chất phụ gia trong chăn nuôi. Nghe người tiếp thị phân tích, ông cũng mua một lọ thuốc có tên là "Vườn sinh thái" với giá 150.000 đồng/lọ về thử sử dụng. Lọ thuốc này có màu đen như mực. Theo hướng dẫn, cứ 5cc thì cho 10 con lợn ăn, cách một ngày thì cho lợn ăn một lần. Như vậy, sau 40 ngày thì mới hết một lọ. Khi trộn vào thức ăn cho lợn ăn vài ngày, ông thấy lượng thức ăn mà lợn tiêu thụ giảm đi 1/3, lợn ngủ nhiều, da hồng hào, đẹp hẳn lên, lợn tăng cân nhanh hơn so với trước. Thấy lạ và có vẻ trái với quy luật tự nhiên nên ông không cho lợn ăn tiếp nữa…
Trên thực tế, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp truyền thống còn rất ít. Nguyên nhân là việc cạnh tranh giữa chăn nuôi theo phương pháp truyền thống và chăn nuôi theo phương pháp sử dụng thức ăn tăng trọng, sử dụng chất kích thích là điều không tưởng. Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, chị Đinh Thị Vạn ở xã Ninh Thắng, Hoa Lư cho biết: Nhà chị có diện tích đất rộng, có ao thả cá nên cũng tranh thủ nuôi thêm đàn gà và mấy con lợn thịt. Nếu mua một con lợn giống khoảng 10 kg về nuôi, cho ăn bằng cám gạo, ít nhất phải mất 3-4 tháng mới xuất chuồng, lúc ấy trọng lượng mới chỉ đạt 60-70 kg. Nếu tính cả tiền mua lợn giống, tiền mua cám bã, rau cho lợn ăn, thì sau khi xuất chuồng, mặc dù không tính công nuôi, vẫn không có chút lãi nào. Nuôi gà cũng vậy, một đàn gà chăm chút khoảng 3 tháng, đến lúc gà đẻ cũng chỉ đẻ khoảng 20 trứng, nếu cho ấp thì gà không đẻ nữa. Khi trứng nở, gà mẹ nuôi con phải mất gần một tháng sau mới tiếp tục đẻ. Nếu không cho gà ấp mà mang trứng đi bán thì cũng phải một thời gian sau gà mẹ mới tiếp tục đẻ trứng. Dù kinh doanh bằng cách nào, nuôi gà thịt hay nuôi gà đẻ cũng lỗ vốn. Khi được hỏi: Tại sao biết là lỗ mà vẫn nuôi? Chị nói: ở nông thôn, những lúc nông nhàn, không chăn nuôi thì biết làm gì, biết là lỗ nhưng cũng có việc để làm. Chỉ tiện ở chỗ, khi nhà có công việc, sẵn gà sạch, lợn sạch để ăn… Nếu anh em trong nhà cần mua thì chị bán, chứ không đủ để mang ra chợ. Do đó, lượng thực phẩm trên thị trường được nuôi bằng phương pháp truyền thống là rất ít.
Như vậy, việc sử dụng các chất phụ gia trong chăn nuôi ở tỉnh ta là có thực. Vấn đề là ở chỗ: Đâu là chất phụ gia đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đâu là chất phụ gia độc hại, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng? Việc sử dụng một số thức ăn trong chăn nuôi gia súc hiện nay có được coi là thực phẩm sạch hay không nhưng được người chăn nuôi sử dụng rất phổ biến. Mặt khác, việc tuân thủ theo hướng dẫn của các công ty sản xuất thức ăn gia súc đã được thực hiện ra sao, lượng hợp chất tồn đọng trong thực phẩm nếu không tuân thủ theo hướng dẫn thì có hại thế nào đối với người tiêu dùng... vẫn là câu hỏi đặt ra đối với giới chuyên môn, các nhà quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Đôi điều trăn trở
Với lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không biết nuôi bằng phương pháp nào như hiện nay thì việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình là bài toán nan giải. Chị Hà ở phố 10, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: Nhiều lần đi mua thịt bò, thịt lợn về ăn, thấy ra nước nhiều, thịt lại có mùi hôi, tuy màu sắc rất tươi ngon, về ăn mới biết thịt có thể sử dụng thuốc cấm trong chăn nuôi, để ăn cũng dở, bỏ đi không đành. Sau này đi hỏi thêm mới biết không nên chọn những miếng thịt màu quá đỏ, nạc sát da, không có độ đàn hồi, dùng tay ấn vào thịt bị trũng xuống, bỏ tay ra thịt không trở lại hình dạng ban đầu... Thịt bò, thịt lợn thì tạm thời chọn như thế, còn thịt gà thì đành chịu, không thể biết được đâu là thịt gà sạch, đâu là thịt gà có sử dụng chất kích thích… Chị Duyến, cán bộ nghỉ hưu ở phường Tân Bình, thị xã Tam Điệp thì có sự lựa chọn khác. Không tin tưởng vào thực phẩm trên thị trường, chị cùng với một số chị em thi thoảng chung nhau bắt một con lợn sạch, có xuất sứ người nuôi rồi thuê người giết mổ, chia nhau mỗi người lấy một ít, mặc dù giá cả có cao hơn thị trường một chút.
Hiện nay, các mặt hàng nhu yếu phẩm và các loại thực phẩm tươi như thịt, cá, tôm, trái cây, rau xanh… đặc biệt là thịt lợn siêu nạc và thịt gà, vịt siêu thịt đã không còn ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn như trước đây. Việc chạy đua theo lợi nhuận của người chăn nuôi và sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chức năng đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người người tiêu dùng, thậm chí còn ảnh hưởng tới các thế hệ sau. Thông tin về việc nuôi một con gà con sau hơn 1 tháng đã mang bán với trọng lượng từ 3 đến 3,5 kg; gà siêu trứng có thể đẻ từ 400 đến 420 quả trứng trong một năm; giá trứng gà ở biên giới phía Bắc khoảng 250 đồng/quả; "Thần dược đen" ép lợn tăng 40 kg/tháng; thuốc tăng trọng làm nở cơ thịt, làm nở mông, nở vai, tăng lượng thịt trong cơ thể, làm lợn không thể đứng vững được nữa, nhiều con còn bị hiện tượng nứt da; thuốc tăng trọng nuôi bò, mỗi ngày tăng lên 7kg … vv, là lời cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế, một số thuốc kích thích trong chăn nuôi như chất được dùng để tạo lợn siêu nạc là Clenbuterol và Salbutamol đã được nghiên cứu và cảnh báo. Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Tác hại của nó có tính lâu dài, khó nhận thấy. Sau khi sử dụng với nồng độ cao có thể gây rối loạn nhịp tim, ngộ độc cấp tính, rối loạn chức năng sinh lý bình thường, huyết áp tăng, tổn thương tế bào cơ tim, run cơ, tăng huyết áp và có thể gây đột biến tế bào, tạo điều kiện phát triển các khối u ác tính. Như vậy rất nguy hiểm khi người ăn loại thịt lợn này.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã ở mức báo động. Nếu chỉ chú trọng về lợi nhuận mà quên đi hậu quả mà các chất độc hại gây ra cho cộng đồng thì cần có những giải pháp, chế tài để kịp thời ngăn chặn tình trạng này. Cần tăng cường cảnh báo, khuyến cáo người dân trong chăn nuôi và sử dụng thực phẩm an toàn; ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất kích thích độc hại; có chế độ bảo trợ, ưu đãi đối với người dân tham gia chăn nuôi, gieo trồng thực phẩm sạch; cần có những công trình nghiên cứu, tìm hiểu các loại thuốc kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, tác hại của nó trong quá trình sử dụng đối với sức khỏe của con người để người dân thực sự yên tâm khi dùng những thực phẩm thiết yếu này trong cuộc sống thường ngày.
Bài, ảnh: Xuân Tứ