Nho Quan là huyện tăng cả về trường hợp sinh con thứ ba và chênh lệch tỷ lệ giới tính khi sinh. Năm 2008 nhiều chỉ tiêu KHHGĐ của huyện giảm so với năm 2007 và không đạt kế hoạch đề ra. Tổng các biện pháp tránh thai, toàn huyện thực hiện được 6.117 ca, đạt 89% kế hoạch năm. Cùng với sự sụt giảm các biện pháp tránh thai là sự gia tăng dân số. Toàn huyện có 2.112 trẻ được sinh ra, tăng 56 trẻ so với năm 2007, trong đó số sinh con thứ 3 trở lên là 274 trẻ, tăng 10 trẻ; tỷ lệ giới tính khi sinh là 122 nam/100 nữ (năm 2007 là 108 nam/100 nữ).
Ông Quách Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện cho biết: Nguyên nhân làm ảnh hưởng tới kết quả chung của công tác dân số do thông tin về việc giải thể cơ quan dân số từ Trung ương đến địa phương trong hơn 1 năm qua đã khiến nhiều người dân cho rằng không còn cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch nên cố tình đẻ thêm con thứ ba trở lên. Sau khi hình thức xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ ba trở lên giảm xuống mức cảnh cáo, tỷ lệ đảng viên vi phạm chính sách dân số có xu hướng tăng. Mặt khác, các dịch vụ chẩn đoán thai nhi sớm cũng "hỗ trợ" cho các gia đình "khát" con trai có thêm "niềm tin" vào quyết định sinh thêm con của mình. Hệ quả là tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ mới sinh ngày càng nghiêm trọng.
Chúng tôi về huyện Yên Mô, đơn vị luôn đứng đầu thực hiện tốt công tác dân số- KHHGĐ trong nhiều năm qua. Chỉ tiêu sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng đều sụt giảm và không hoàn thành kế hoạch năm như: Triệt sản đạt 55%, đặt dụng cụ tử cung 67%, kèm theo đó là sự gia tăng về số ca sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính. Toàn huyện có 1.371 ca sinh, giảm 46 ca so năm 2007, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 15,5% (tăng 1,9%), tỷ lệ giới tính khi sinh là 117 bé trai/100 bé gái. ở nhóm sinh lần thứ 3 trở lên, bé trai chiếm tỷ lệ hơn 60%. Điều này càng chứng tỏ có sự lựa chọn giới tính khi sinh.
Huyện Yên Khánh cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 13,7%, tăng 0,7%. Năm 2007, tỷ lệ giới tính khi sinh còn ở mức cho phép 107 nam/100 nữ. Năm 2008, tỷ lệ giới tính khi sinh đã tới mức báo động 118/100 nữ.
Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Yên Khánh cho biết: Ngoài những nguyên nhân như tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường, thì có rất nhiều áp lực dẫn tới việc sinh con thứ ba trở lên: Điều kiện kinh tế khá giả ở một bộ phận dân cư; tình trạng gia tăng tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt cùng với tệ nạn xã hội, nhất là tệ nghiện hút ma túy... dẫn tới tâm lý muốn sinh nhiều để "dự phòng".
Đây cũng là bức tranh chung về công tác dân số trong toàn tỉnh. Năm 2008, dân số toàn tỉnh biến động theo chiều hướng tăng cả số sinh, số ca sinh con thứ ba. Toàn tỉnh có 13.095 trẻ em chào đời (tăng 425 cháu), trong đó 1.836 cháu là con thứ 3 trở lên (tăng 1,5% so với năm 2007). Tỷ lệ giới tính là 114 nam/100 nữ (tỷ lệ giới tính cân bằng trong tự nhiên là 103-106 bé trai/100 bé gái).
Công tác dân số rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, việc dân số gia tăng, sự phát triển của "trào lưu" sinh con thứ ba và mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tác động xấu tới sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Để khắc phục những biến động tiêu cực của công tác dân số trong năm qua, Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: Tập trung thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên; tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện chiến dịch truyền thông về dân số-KHHGĐ; tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dân số; tiến hành chuẩn hóa và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số...
Bài, ảnh: Hà Mi