Đội ngũ hòa giải viên là những công dân mẫu mực ở xóm phố, có uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt. Bản thân và gia đình họ chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi tổ hòa giải có từ 5-9 thành viên gồm bí thư chi bộ, tổ trưởng, xóm trưởng, đại diện Hội Nông dân, MTTQ, CCB, Phụ nữ, Đoàn thanh niên... Hầu hết cán bộ hòa giải với cái tâm trong sáng, tích cực, chủ động trong công tác hòa giải đã góp phần xây dựng xóm phố bình yên, gia đình hạnh phúc.
Trong 10 năm qua, đội ngũ hòa giải viên trong tỉnh tiếp nhận 35.807 vụ việc để tiến hành hòa giải và đã hòa giải thành 30.464 vụ (đạt 85%). Số vụ việc hòa giải không thành 5.343 vụ, số vụ việc đang hòa giải 379 vụ và hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết 2.428 vụ.
Với trách nhiệm "tự nguyện", hòa giải viên đã hướng dẫn, giúp đỡ thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ.
Tuy nhiên, việc xác định ranh giới của những vi phạm pháp luật nhỏ, tranh chấp nhỏ nhiều khi không đơn giản. Có vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn từ những sự việc nhỏ nhưng tính chất lại hết sức phức tạp. Vấn đề nhận diện, đánh giá đúng sự việc phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của mỗi hòa giải viên. Nói về vai trò của công tác hòa giải cơ sở, bà Nguyễn Thị Thục, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho rằng: "Hiệu quả của công tác hòa giải cơ sở về mặt kinh tế thì thật khó đo đếm bằng những con số, nhưng hiệu quả về mặt xã hội, về trật tự trị an để xóm phố bình yên, gia đình hạnh phúc thì thật lớn".
Hòa giải những mâu thuẫn, xích mích
Trong cuộc sống có nhiều việc tưởng rất bình thường nhưng do quan niệm, lối sống, sở thích, quan điểm khác nhau... đều có thể dẫn tới mâu thuẫn, tranh chấp. Câu chuyện về gia đình chị Hải ở phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) là một ví dụ. Từ nhỏ, chị Hải không ăn ớt nhưng gia đình nhà chồng lại rất thích vị cay nên khi xào nấu bao giờ cũng cho nhiều ớt. Về nhà chồng chị luôn khổ sở với các món xào, món nấu có ớt.
Đến bữa ăn chị thường dùng nước lọc để nhúng rau, cá, thịt cho bớt cay. Gia đình chồng chị cho đó là sự xúc phạm đến nề nếp gia phong, cho rằng chị thiếu tôn trọng gia đình nhà chồng. Nhận diện đúng những bất đồng, mâu thuẫn đó, giúp cho các thành viên trong gia đình thông cảm với nhau thật không đơn giản. Hòa giải viên không tận tình, tận tâm tìm hiểu, chia sẻ, cảm thông để thuyết phục các bên thì khó đạt kết quả.
Hòa giải các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự
Bác Thân mua đất ở của gia đình cụ H. Việc mua bán đã thỏa thuận và hoàn tất, số tiền trao đủ cho gia đình cụ H, do cụ bà trực tiếp nhận. Cụ H viết (giấy tay) chuyển nhượng cho bác Thân. Cụ H họp gia đình, chia số tiền bán đất cho con, cháu, còn lại 100 triệu đồng gửi Ngân hàng hưởng lãi.
Hơn 1 năm sau, giá nhà đất tăng cao, cụ H qua đời, không để lại di chúc, gia đình bác Thân muốn xây nhà trên diện tích đất đã mua, cơ quan cấp phép xây dựng yêu cầu xuất trình sổ đỏ thì bác Thân chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ H. Cán bộ phòng xây dựng, đô thị hướng dẫn bác Thân về hoàn tất hợp đồng mua bán nhà, đất ở để được cấp sổ đỏ thì cụ Vịnh (vợ cụ H) nhất quyết không ký vào hợp đồng mua bán mặc dù hiện tại cụ vẫn đang hưởng lãi suất từ số tiền tiết kiệm nêu trên và việc mua bán trước đây cụ có tham gia, chính cụ là người nhận số tiền do bác Thân chi trả.
Là hòa giải viên, ông Bách đã kiên trì vận động, thuyết phục để cụ Vịnh có nhận thức đúng về hợp đồng mua bán nhà đất theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Đó là sự tự nguyện, thỏa thuận, bình đẳng giữa các bên.
Mặt khác, xét về đạo lý việc làm của cụ sẽ gây mâu thuẫn ảnh hưởng tới tình làng, nghĩa xóm, nguyện vọng người quá cố. Hòa giải viên cũng phân tích cho bên mua cần có thái độ đúng mực khi thuyết phục bên bán để tránh mâu thuẫn. Việc mua bán tài sản là đất ở mà không thực hiện giao kết hợp đồng đúng quy định về hình thức theo pháp luật dân sự là sai. Bác Thân cần có thái độ thân tình, tôn trọng cụ Vịnh. Vụ việc được hòa giải, đến nay bác Thân đã xây ngôi nhà đẹp trên diện tích đất đã mua của gia đình cụ H và cộng đồng cư dân phố 3 ngày càng đầm ấm, đoàn kết.
Hòa giải tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật nhỏ
Trong cộng đồng dân cư có không ít mâu thuẫn kiểu "trẻ con mất lòng người lớn" hoặc do những hành vi cẩu thả hay sự vô ý gây ra. ở mức độ nào đó, những hành vi vi phạm pháp luật nhỏ như trẻ con trộm cắp vặt hoa quả, hay việc gây khói bụi, ô nhiễm môi trường... theo quy định của pháp luật chưa đến mức xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính thì không nhất thiết phải căng thẳng "đấu lý" với nhau trong quá trình giải quyết vụ việc. Nếu căng thẳng quá thì sau khi giải quyết vụ việc sẽ mất đi tình làng, nghĩa xóm. Để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp loại này, nhiều hòa giải viên đã chủ động vào cuộc sớm, tìm hiểu diễn biến tâm lý đối tượng để hướng họ có ứng xử phù hợp không để "cái xẩy nảy cái ung".
Có thể nói, công tác hòa giải cơ sở đã và đang là một hoạt động tích cực tại cộng đồng dân cư ở tỉnh. Hòa giải cơ sở còn có vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và các tầng lớn nhân dân, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp.
Ngọc Ánh
(Sở Tư pháp Ninh Bình)