Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, theo dõi thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp luật bao gồm 144 dự án.
Các dự án luật luật, pháp lệnh ưu tiên phục vụ Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời cũng tính toán hợp lý để đưa vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền con người, quyền công dân và các dự án cần xây dựng, sửa đổi ngay sau khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Đối với công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, 3 năm qua, Bộ Tư pháp đã thẩm định 352 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đã kịp thời phát hiện và kiến nghị các cơ quan soạn thảo chỉnh lý nhiều quy định không đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định hiện hành, quy định thiếu tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng của văn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn có tình trạng một số dự án luật chưa được nghiên cứu kỹ về phạm vi điều chỉnh dẫn đến việc gần đến lúc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội mà Chính phủ vẫn phải thảo luận vấn đề này, ảnh hưởng đến tiến độ trình Quốc hội.
Không ít văn bản còn thiếu tính bao quát chưa chú trọng đến khả thi, tính hợp lý, một số trường hợp, tuy đã phát hiện ra "vấn đề" nhưng Bộ chưa thuyết phục cơ quan soạn thảo chỉnh lý…
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ sẽ tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Có cơ chế phát huy hơn nữa sự tham gia của nhân dân, huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Về lâu dài sẽ nghiên cứu trình Quốc hội Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) định hướng cho việc xây dựng luật, pháp lệnh đảm bảo dân chủ, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Trả lời câu hỏi chất vấn về tình trạng luật chờ Nghị định và giải pháp khắc phục căn bệnh "nợ đọng" trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, việc các Nghị định, thông tư hướng dẫn luật ban hành không kịp thời không chỉ làm chậm quá trình đưa luật vào cuộc sống mà còn có thể tạo khoảng trống pháp lý gây lúng túng cho cơ quan quản lý, người dân.
Để khắc phục điều này, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ về những chính sách cần thể chế hóa bằng pháp luật và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ trước khi đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Đồng thời nghiên cứu, bổ sung vai trò giải thích pháp luật của Tòa án nhân dân; vai trò xây dựng án lệ của Tòa án nhân dân tối cao nhằm giảm bớt việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch quá nhiều như hiện nay. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng đã trả lời nhiều câu hỏi về trách nhiệm bồi thường nhà nước; vấn đề lợi ích nhóm trong việc ban hàng các văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến giáo dục pháp luật…
Buổi chiều, Bộtrưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tập trung vào việc quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai...
Trả lời câu hỏi về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến ngày 30/06/2013, có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích trên 128 nghìn ha.
Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quy hoạch chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, việc triển khai quy hoạch khu công nghiệp của các địa phương còn hạn chế, tỷ lệ lấp đầy còn thấp (khu công nghiệp 60,53%; cụm công nghiệp đạt 44,25%).
Bên cạnh đó, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nên chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí…
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Đất đai (sửa đổi), văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho việc thu hồi đất do vi phạm, quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất để lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm, đặc biệt là trình tự cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất.
Phối hợp với UBND các tỉnh tăng cường công tác, kiểm tra giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức sau khi được Nhà nước giao, cho thuê đảm bảo sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Không xét duyệt thành lập mới hoặc mở rộng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp nếu không đảm bảo đủ các điều kiện như có trong Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tỷ lệ lấp đầy…
Trả lời câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản tràn lan và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết về công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Trong đó sẽ phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; gắn trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với người đứng đầu các cấp chính quyền tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản quy mô lớn đang hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tập trung vào các loại hình khai thác quặng sắt, apatit, chì, kẽm, bauxit...
Liên quan đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, tính đến ngày 30/6/2013, cả nước đã cấp được 36 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,12 triệu ha.
Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn chậm, nguyên nhân phần lớn là do không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai, chủ yếu do mua bán, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, nhất là ở các đô thị.
Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân còn chưa hợp lý, thống nhất như việc thu tiền sử dụng đối với đất ở vượt hạn mức theo giá thị trường.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với đất, phấn đấu đến cuối năm 2013 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất; kiến nghị Quốc hội quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các tỉnh khó khăn.
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến định giá đất; quản lý đất tại các nông trường; giải pháp xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai; vấn đề thất thoát tài nguyên, khoáng sản…
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Tổng Thanh tra Chính phủ Hùynh Phong Tranh đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.
Quốc Khang