Năm nay là năm đầu tiên gia đình anh Trần Văn Đạm ở thôn Điềm Khê được đón Tết ở… trên bờ. Hàng xóm, láng giềng ai cũng hân hoan mừng cho vợ chồng anh. Từ cuối tháng Chạp, anh Đạm đã phân công các con phụ giúp một tay trong việc quét dọn, trang trí cho ngôi nhà mới xây, còn vợ chồng anh cố gắng đi làm lấy tiền sắm sửa cho gia đình một cái Tết đủ đầy. Đưa chén nước chè lên má để xua đi phần nào cái lạnh mùa đông, anh Đạm kể cho chúng tôi nghe về những lần đón Tết ở trên thuyền.
Cũng như đa số người dân ở thôn Điềm Khê, từ đời cha mẹ anh đã sinh sống bằng nghề chài lưới. Nhiều đứa trẻ được sinh ra trên thuyền, lớn lên rồi nảy nở tình yêu trai gái, cuối cùng là kết tóc trăm năm cũng trên những con thuyền nan ấy. Vợ chồng anh Đạm là một trong những đôi lứa như thế. "Bố tôi cũng có mảnh đất nhỏ trên bờ, nhưng con cái thì đông, làm sao đủ mà chia đều cho con được. Vậy là lấy vợ xong, vợ chồng tôi lại dắt díu nhau xuống thuyền để mưu sinh. 4 đứa con của vợ chồng tôi ra đời cũng trên con thuyền này"- anh Đạm nói. Những ngày tháng rộng dài trong năm, gia đình anh Đạm đi chài lưới khắp nơi. Tối đến, lại về neo thuyền ở bến quê, sinh hoạt như những hộ khác trong xóm. Nhưng những dịp Tết đến, Xuân về, ấy là khi anh Đạm ngậm ngùi nhất. Cả gia đình anh đón Xuân ở trên con thuyền nhỏ tròng trành sóng nước. Những lúc ấy, hơn tất thảy, anh khao khát có một nếp nhà để an cư, để có chỗ cho gia đình đoàn viên, tề tựu. "Phấn đấu mãi, đến cuối năm ngoái, tôi được xã tạo điều kiện cho mua một miếng đất nhỏ và phải đến cuối năm nay, vợ chồng tôi mới dựng được một nếp nhà. Vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm, song như thế này là hạnh phúc lắm rồi"- anh Đạm hạnh phúc nói.
Trưởng ban Công tác mặt trận, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Trần Văn Đụng cho biết, những năm qua, xã Gia Trung đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ dân thôn Điềm Khê có khả năng đều được mua đất làm nhà thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Anh Đạm là một trong 50 hộ dân trong thôn mua được đất trên bờ kể từ năm 2016 đến nay. Đây là nỗ lực vượt bậc của bà con trong suốt những năm qua. ở trong thôn hiện vẫn còn khoảng vài chục nhà chưa mua được đất do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhưng chỉ một năm, hai năm nữa thôi, họ sẽ làm được điều mà nhiều người dân Điềm Khê đã làm được. Rồi ông Bí thư Chi bộ thôn dẫn chúng tôi đi tham quan quanh thôn Điềm Khê. Những con đường bê tông trải dài phẳng phiu, những ngôi nhà cao tầng, nhà mái ngói đỏ tươi thấp thoáng trong vườn cây xum xuê quả ngọt, gợi lên sắc màu no ấm. "Những năm gần đây, nhờ có cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác giảm nghèo, người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Không chỉ được vay vốn, bà con còn được hướng dẫn cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Do có nhiều kinh nghiệm trong nghề vận tải thủy, nên địa phương xác định đây là hướng giảm nghèo hiệu quả nhất cho bà con trong thôn. Quả thực, sau một thời gian hoạt động, nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ nghề vận tải thủy này"- ông Trần Văn Đụng cho biết.
Đến thăm gia đình ông Trần Văn Thụy, đúng lúc ông về nghỉ Tết sau chuyến đi Quảng Ninh dài ngày. Trước đây, gia đình ông Thụy cũng chỉ làm nghề chài lưới, đánh bắt cá ven sông Hoàng Long. Mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Thụy mua một chiếc thuyền xi măng gắn máy trọng tải 90 tấn chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng cầu đường và các chủ lò sản xuất vôi, gạch. Quá trình làm ăn hạch toán kinh doanh thấy có lãi, hơn nữa nhận thấy phương tiện nhỏ mang lại hiệu quả thấp, lại không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa nên ông Thụy đã nhiều lần nâng cấp phương tiện lên trọng tải lớn hơn. Đến nay, ông đang sở hữu con tàu trọng tải 800 tấn để vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc. Vậy là từ chiếc thuyền nan, giờ đây ông Thụy đã là một tỷ phú. Điều đáng mừng là ở thôn Điềm Khê, ngày càng xuất hiện nhiều "tỷ phú đường thủy" như ông Thụy. Mặt khác, nghề vận tải thủy phát triển mạnh đã tạo việc làm cho trên 500 lao động địa phương với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm rõ rệt. Tính đến hết năm 2018, toàn thôn còn 2,9% hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu đạt gần 30%.
Dù có sự đột phá trong phát triển kinh tế như vậy, nhưng ông Bí thư Chi bộ thôn còn nhiều trăn trở: Do đặc thù công việc, nên những hộ làm vận tải thủy xa nhà quanh năm. Con cái đang tuổi ăn, tuổi lớn đều được gửi cho ông bà hoặc họ hàng, vì vậy mà các cháu thiếu vắng bàn tay chăm sóc, uốn nắn của cha mẹ. Những năm trước đây, toàn thôn không có cháu nào theo học đại học. Hầu hết, các cháu học hết lớp 9 rồi đi làm nghề vận tải với gia đình. Việc tiếp cận tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật mới cũng gặp nhiều khó khăn. Thôn vẫn là đơn vị có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất xã. Sau nhiều nỗ lực trong việc tiếp cận, vận động các gia đình quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, tình hình đã có chuyển biến. Hiện nay, toàn thôn có 9 em đang theo học đại học, không còn tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng. Đặc biệt, nhiều thanh niên được tôi rèn trong quân ngũ, trở về địa phương, phấn đấu trở thành cán bộ của thôn, của xã, điển hình như đồng chí Trần Xuân Phương, Phó Bí thư Đoàn xã và một đồng chí phụ trách công tác truyền thanh của xã.
"Một mùa xuân nữa đang về, Điềm Khê hôm nay vẫn rạo rực nhiều ước vọng. Chúng tôi ước cho một năm mưa thuận gió hòa, công việc được thuận lợi để không còn gia đình nào phải đón Tết ở dưới thuyền nữa. Ước cho nhiều hơn nữa các cháu học sinh có ước mơ, có hoài bão, tự khẳng định được bản thân mình trong nhiều lĩnh vực mới"- Bí thư Chi bộ thôn Điềm Khê Trần Văn Đụng cho biết thêm.
Đào Hằng