Để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, thời gian qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chú trọng công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các kế hoạch, cơ chế, chính sách của tỉnh để đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT. Trong đó, một số đơn vị đã mua sắm, đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin.
Vì vậy, hạ tầng CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị; 100% đơn vị có mạng nội bộ LAN, tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức toàn tỉnh đạt 95%; tổng số máy chủ tại các cơ quan nhà nước là 62 máy; Tổng số máy trạm là 2.228 máy; 100% đơn vị được kết nối Internet băng thông rộng và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và chạy các phần mềm nghiệp vụ; hệ thống mạng truyền dẫn hiện đã kết nối và lắp đặt thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh bằng đường truyền cáp quang.
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ tháng 9/2016, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice). Trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị tăng cường sử dụng phần mềm.
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 145 đơn vị cấp xã trong tỉnh đã thực hiện xong việc chuyển đổi và chính thức đưa phần mềm vào hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được liên thông với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Văn phòng Chính phủ, tiến tới phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương thông qua môi trường mạng.
Đến nay, trên hệ thống đã có trên 1,4 triệu văn bản được trao đổi, xử lý. Một số cơ quan, đơn vị đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển - nhận văn bản trên hệ thống phần mềm với tỷ lệ văn bản đi/đến trên hệ thống đạt trên 85%.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai đồng bộ đến 18 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện và đang được triển khai đến 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tổng số 2.283 thủ tục (trong đó, mức độ 1, 2: 1.590 thủ tục, mức độ 3: 478 thủ tục, mức độ 4: 215 thủ tục).
Việc đưa hệ thống Một cửa điện tử vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, bước đầu hình thành nhận thức và thói quen ứng dụng CNTT trong thực hiện CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các TTHC với cơ quan nhà nước và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh.
Nếu năm 2016, toàn tỉnh mới chỉ có 58 hồ sơ trên hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành thì đến nay, tổng số hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống Một cửa của tỉnh là 53.716 hồ sơ.
Thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, đã có 15.450 hồ sơ được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, doanh thu đạt 356 triệu đồng. Trong đó một số đơn vị thực hiện tốt như: Sở Giao thông Vận tải, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Nhận định Cổng thông tin điện tử là kênh giao tiếp quan trọng giữa chính quyền với người dân và các tổ chức, do vậy Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp, cung cấp đầy đủ các tính năng của dịch vụ công và cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin chỉ đạo điều hành theo quy định.
Đến nay 27/27 cơ quan nhà nước đã xây dựng được trang thông tin điện tử, trong đó có 5 đơn vị có trang thông tin điện tử tổng hợp. Hầu hết các trang thông tin điện tử của các đơn vị đã góp phần tạo môi trường giao tiếp, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị với người dân và doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử được đánh giá theo hướng lấy người dân làm trung tâm: Thuận tiện, dễ tìm, dễ khai thác, đầy đủ thông tin để mọi người khai thác.
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước gắn với cải cách hành chính, thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về CNTT, truyền thông và các ứng dụng CNTT, truyền thông trong cải cách hành chính.
Cùng với đó tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong nhiều lĩnh vực tích hợp lên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, thực hiện xây dựng và thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hệ thống Hội nghị trực tuyến tỉnh Ninh Bình từ tỉnh đến xã với 164 điểm cầu.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp, tuyên truyền, thực hiện việc sử dụng 4 ứng dụng: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ; cổng thông tin điện tử thành phần; hệ thống một cửa điện tử trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý điều hành của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước trong tỉnh.
Phúc Nguyên