Kỳ II: Những vấn đề cần quan tâm giải quyết
Còn nhiều khó khăn
Sau 2 năm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thủy sản nước ngọt gia đình ông Đinh Văn Tá, xã Gia Phương đã có cuộc sống ổn định, thu nhập mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng. Anh Tá dự kiến sẽ đi Hải Dương để học tập nuôi thủy sản theo mô hình "sông trong ao". Mô hình này giúp kiểm soát chất lượng nguồn nước, từ đó đưa ra được các sản phẩm sạch và năng suất có thể cao gấp 5 lần ao thường. Tuy nhiên chi phí xây một "sông trong ao" khoảng 100 triệu đồng, cao hơn 2-3 lần so với ao nuôi truyền thống. Như vậy với diện tích nhà ông có thể xây dựng được 5 bể với vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Với mức đầu tư lớn như vậy thì vốn gia đình không đủ, trong khi đó việc tiếp cận vốn tín dụng sẽ gặp khó khăn vì tài sản thế chấp không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Ông Tá trăn trở: Vốn đầu tư ban đầu lớn, trong khi tài sản thế chấp ở nông thôn được ngân hàng định giá quá thấp. Chính vì vậy, ngoài việc có thêm cơ chế để hỗ trợ các hộ nuôi thủy sản về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chúng tôi cũng rất cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Đầu tư vốn ban đầu cao, quy trình sản xuất nghiêm ngặt nhưng khi bán sản phẩm ra ngoài thị trường thì giá lại không cao hơn so với sản phẩm sản xuất theo hình thức truyền thống. Đó chính là băn khoăn của các hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Gia Phương (Gia Viễn). Ông Tạ Hữu Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết: Hiện cá được nuôi ở xã Gia Phương đang rất được ưa chuộng do cá đẹp, chất lượng đảm bảo. Mặc dù đầu ra hiện giờ không khó, nhưng do tập quán canh tác của người dân vẫn chỉ tập trung nuôi cá truyền thống, đồng thời chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm nên hiện nay mức giá bán không cao hơn giá cá ở thị trường. Chính điều này cũng đang là trăn trở của người nông dân trong việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất của người nông dân.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho rằng: Hiện chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn ít, việc liên kết giữa đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế. Trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng mới thu hút được 6 doanh nghiệp. Song hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực này chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp do đó chưa tạo được bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Trong khi đó địa phương chưa thể có nguồn lực để hỗ trợ các chính sách khác về hạ tầng, tài chính tín dụng, thị trường và xúc tiến thương mại, hỗ trợ phòng chống thiên tai dịch bệnh..
Cần giải pháp đồng bộ
Không thể phủ nhận việc ứng dụng công nghệ cao đã và đang tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhưng có thể nhận thấy hầu hết các mô hình "điểm nhấn" đều là của những "nông dân bạo tay" dám nghĩ, dám làm trong khi kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế, do vậy cách làm vẫn còn chắp vá, thiếu đồng bộ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn cho biết: Thời gian tới, huyện Gia Viễn tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách đặc thù hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Để việc ứng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trở thành phong trào và có được hiệu quả thiết thực, theo ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng liên doanh, liên kết giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng. Để làm được điều này, tỉnh cần có thêm cơ chế, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết các loại cây chủ lực, các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, từ đó, xác định vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng: Trước những đòi hỏi của sản xuất theo hướng hiện đại, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để ngoài việc tư vấn, định hướng cho người nông dân lựa chọn những mô hình phù hợp, thì cần phải tích cực tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nền tảng kiến thức về khoa học, công nghệ cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng cơ chế chính sách, quy trình phù hợp với từng địa phương để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp tục tuyên truyền, đổi mới tư duy cho người nông dân theo hướng lấy thị trường làm thước đo mục tiêu phát triển sản phẩm. Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp và người nông dân để có thể xây dựng chương trình hành động, tạo cơ hội, điều kiện cho nông sản, trên cơ sở đó hình thành các vùng chuyên canh sản xuất kiểu mẫu theo quy trình chuẩn, ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng kênh phân phối đủ năng lực liên kết chuỗi giá trị thị trường nông sản. Có như vậy, nông nghiệp công nghệ cao mới thoát khỏi nguy cơ có lượng mà thiếu chất.
Xuân Trường
Kỳ I: Nhiều mô hình ứng dụng KHCN bước đầu thành công