Đại diện UNESCO, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã trao bằng chứng nhận di sản cho lãnh đạo Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, đơn vị lưu giữ, bảo quản cũng như lập hồ sơ trình UNESCO về di sản này, trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều cơ quan, tổ chức khác.
Mộc bản triều Nguyễn là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản thế giới, được UNESCO công bố chính thức cùng với 35 di sản tư liệu của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác vào 7 năm 2009.
Được biết, hồ sơ tư liệu về Mộc bản triều Nguyễn được Cục Văn thư lưu trữ quốc gia tiến hành xây dựng và trình UNESCO vào năm 2007.
Bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước cho biết, bằng chứng nhận Di sản sẽ được lưu giữ tại phòng trưng bày của Cục. Cùng với đó, cũng sẽ tổ chức giới thiệu những tư liệu liên quan đến Mộc bản triều Nguyễn để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của công chúng.
Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm ván khắc gỗ, trên đó khắc ngược những văn bản chữ Hán-Nôm, dùng để in sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Bộ mộc bản này bao gồm các sách kinh điển, trong đó chủ yếu là những tác phẩm chính văn, chính sử liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn học… Theo các chuyên gia, trong thời kỳ phong kiến, những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ được khắc và in khi có lệnh vua và chỉ những người có thẩm quyền tối cao làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và sử dụng.
Ngoài giá trị về mặt sử liệu, Mộc bản triều Nguyễn còn thể hiện giá trị về mặt nghệ thuật, công nghệ in khắc và chế tác, phản ánh trình độ xã hội thời bấy giờ.
Hiện tại, Mộc bản triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Theo NDĐT