UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ tháng 7
Thứ Ba, 12/07/2022, 02:23
Zalo
Ngày 12/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban phiên thường kỳ tháng 7, đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các sở, ngành và địa phương.
UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ tháng 7
Bước vào năm 2022, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tại cộng đồng tăng nhanh, nhiều ổ dịch phát sinh; bên cạnh đó, tình hình thế giới, giá cả thị trường biến động mạnh, nhất là giá xăng, dầu tăng cao đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh đã sớm ban hành Chương trình công tác năm 2022 với 169 nhiệm vụ cụ thể và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái "bình thường mới".
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh theo đó đã có nhiều đổi mới với tinh thần chủ động, linh hoạt. Trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ trì, tham dự 171 phiên họp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, tổng kết thực tiễn để có những biện pháp cụ thể, chỉ đạo kịp thời. Chỉ đạo các ngành thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn;
Đồng chí Chủ tịch, các Phó Chủ tịch thực hiện chủ trương định kỳ hằng tháng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp (vào thứ 5 của tuần cuối tháng) qua đó góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp theo phương châm "Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng thường xuyên làm việc với Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp phù hợp cho từng thời điểm.
Do đó, dịch COVID-19 đã nhanh chóng được kiểm soát, số ca mắc mới đã giảm sâu; tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt cao. Thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở cho mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Chú trọng nâng cao năng lực nội tại và khơi thông các động lực phát triển kinh tế; tiếp tục nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự tập trung, nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Kết quả, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 3,53%. Sản xuất công nghiệp có tăng trưởng nhưng chưa cao do gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine; sản xuất nông nghiệp đảm bảo khung thời vụ, phong trào xây dựng nông thôn mới được quan tâm; dịch vụ phục hồi và đạt mức tăng khá; tỉnh đã tập trung phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới, số lượng khách đến với Ninh Bình tăng 2 lần so với cùng kỳ, đạt trên 70% kế hoạch năm, qua đó đã thúc đẩy tăng trưởng chung cho khối ngành dịch vụ. Các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến giải ngân vốn đầu tư công tạo đà cho tăng trưởng; công tác xúc tiến thu hút đầu tư được quan tâm quan tâm.
Văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, một số nội dung được các đại biểu đề cập sâu trong phiên thảo luận là công tác điều hành ngân sách Nhà nước trong điều kiện hiện nay; tình trạng thiếu thuốc cục bộ trong thời gian qua và những nỗ lực giải quyết khó khăn trong việc mua sắm thuốc và thiết bị y tế đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; phân tích nguy cơ số ca mắc các chủng mới sẽ tăng vì vậy cần nhanh chóng triển khai bao phủ vắc xin đối với trẻ từ trên 5-12 tuổi và mũi 3- 4 cho người lớn để tạo miễn dịch cộng đồng; khắc phục các tồn tại trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức; các ngành cần có giải pháp khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong cải cách hành chính chống nguy cơ tụt hạng;
Công tác kiểm tra và thẩm định văn bản và chất lượng tham mưu ban hành văn bản cần được nâng cao; việc giải quyết các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn nhiều khó khăn; ngành Giáo dục đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tốt các kỳ thi, rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đề nghị các địa phương phát động phong trào thứ 7 xanh và rác không tiếp đất...
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các sở, ngành, địa phương để đạt đạt kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong 6 tháng đầu năm.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nhưng nhìn nhận lại quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian qua, chúng ta thấy rằng cấp ủy, chính quyền đã tập trung rất cao để tháo gỡ những điểm nghẽn, cơ cấu lại đầu tư công và đổi mới thu hút đầu tư, tạo đà cho sự phát triển lâu dài và bền vững.
Với quan điểm như vậy, UBND tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch năm 2022 với hàng loạt việc cụ thể, đến thời điểm này chỉ có 4 việc xin gia hạn thời gian thực hiện. Điều này khẳng định tinh thần, trách nhiệm với công việc, sự đúng mực trong tham mưu của các sở, ngành, địa phương; tinh thần cầu thị, tiến bộ của mỗi cán bộ, đảng viên được tăng cường... tạo sự gắn bó, thống nhất nội bộ, ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội được tăng cường.
Đây là cơ sở quan trọng để các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội được đảm bảo. Trong đó ghi nhận sự thay đổi lớn về ngành dịch vụ thương mại, nhất là ngành du lịch đã tạo sự thay đổi thực sự trong đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đến nay đã được tăng cao. Việc cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp đã tạo đà cho thủy sản phát triển, trồng trọt chuyển đổi theo hướng hữu cơ, lợi nhuận trên 1 ha canh tác tăng cao.
Trong định hướng phát triển công nghiệp, có thể thấy trong 3 năm trở lại đây số doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đầu tư tại Ninh Bình tăng cao, điều này hứa hẹn số thu ngân sách ổn định trong thời gian tới; số dự án sử dụng nhiều lao động và dự án khai thác tài nguyên đã thu hẹp, tạo quỹ đất cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Xác định việc tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Ngoài các phương hướng, nhiệm vụ đã được xác định, đề xuất tại dự thảo báo cáo 6 tháng đầu năm, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát đánh giá tổng thể các lĩnh vực sản xuất theo ngành, địa bàn phụ trách để nắm chắc tình hình, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phục hồi tăng trưởng, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng cả trước mắt và dài hạn. Trên cơ sở đó, ngành Thống kê cần phối hợp với ngành Công thương để thống kê đầy đủ, khách quan phản ánh đúng, thực chất hiệu quả mà các chính sách về phát triển kinh tế mang lại, từ đó khẳng định hướng đi đúng trong lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nắm rõ các vấn đề về đơn thư khiếu nại tố cáo, công tác thống kê, quản lý đất đai, công tác GPMB các dự án; trách nhiệm của người đứng đầu khi bảo vệ các nội dung đề án, dự thảo nghị quyết, tờ trình phát triển kinh tế. Tháo gỡ khó khăn, gia hạn tiến độ và tạo điều kiện cho một số dự án đang triển khai dở dang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, đưa vào sản xuất, kinh doanh trong năm 2022.
Hỗ trợ các doanh nghiệp thẩm định, triển khai các dự án gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan; tăng cường xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, kiên quyết chấm dứt các dự án không có khả năng hoàn thành, sử dụng đất kém hiệu quả, thu hồi đất phục vụ thu hút các dự án mới; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công;
Tập trung chỉ đạo khắc phục các thông báo, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết triển khai đấu giá quyền sử dụng đất của một số khu đất trên địa bàn tỉnh theo phương án tạo nguồn lực cho giai đoạn 2021-2025. Các ngành phối hợp sớm khắc phục những điểm đen giao thông, tăng cường cảnh báo phòng ngừa tai nạn giao thông.