UBND tỉnh nghe dự thảo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Thứ Hai, 10/10/2022, 02:17
Zalo
Ngày 10/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo dự thảo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
UBND tỉnh nghe dự thảo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Tính đến hết năm 2020, tổng diện tích nhà ở trên địa bàn tỉnh là trên 27 triệu m2 sàn (tăng gần 11,6 triệu m2 sàn so với năm 2010), trong đó nhà ở riêng lẻ là loại hình nhà ở chủ yếu.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 27,2 m2 sàn/người (chỉ tiêu đặt ra là 27 m2 sàn/người), tuy nhiên diện tích này không đồng đều giữa các khu vực, cao nhất là thành phố Ninh Bình 38,6 m2 sàn/người, thấp nhất là huyện Kim Sơn 22,5 m2 sàn/người.
Chất lượng nhà ở thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt trên 95%, còn lại chưa tới 5% là nhà bán kiên cố và thiếu kiên cố, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Việc triển khai các dự án phát triển đô thị trên địa bàn đã từng bước góp phần hình thành bộ mặt đô thị, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, giảm mật độ dân số đối với các khu dân cư hiện hữu. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho trên hai nghìn hộ có công với cách mạng và hơn một nghìn hộ nghèo.
Mặt hạn chế trong công tác phát triển nhà ở của tỉnh ta hiện nay là nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội còn thiếu. Tỷ lệ xây dựng nhà ở tại các khu đô thị, khu dân cư chưa cao, công tác quản lý cấp phép xây dựng còn lỏng lẻo. Chỉ tiêu về nhà ở chưa được đưa vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...
Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra một số mục tiêu cơ bản: Đến năm 2025, tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh là trên 37,2 triệu m2 sàn và đến năm 2030 là gần 52,7 triệu m2 sàn. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tối thiểu toàn tỉnh đến năm 2025 phấn đấu đạt 10m2/người, đến năm 2030 đạt khoảng 12 m2/người. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 phát triển tăng thêm 384 nghìn m2 sàn nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư và trên 234 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội, hỗ trợ xây dựng trên 700 căn nhà ở cho hộ nghèo, sửa chữa trên 1.000 căn nhà cho người có công với cách mạng.
Phát biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo các đại biểu cho rằng nên đánh giá thêm hiện trạng tỷ lệ lấp đầy các lô đất đã đấu giá để xác định chính xác diện tích có thể chuyển tiếp sang giai đoạn sau; đề nghị bổ sung căn cứ pháp lý liên quan đến các tiêu chí đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống thiên tai vào Chương trình.
Bên cạnh đó, đề nghị đơn vị tư vấn cần làm rõ các căn cứ để tính toán nhu cầu nhà ở trong tương lai; nên đưa tiêu chí nhà ở tái định cư vào nội dung của Chương trình cũng như cần xác định nhu cầu từng loại nhà ở cho từng vùng, từng địa phương phù hợp với quy hoạch đất đai...
Tại hội nghị, đại diện Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn đã giải trình làm rõ các nội dung đại biểu nêu.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chương trình quan trọng, làm cơ sở để quản lý công tác phát triển nhà ở và triển khai thực hiện các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở, cũng như tạo động lực, môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để khẩn trương hoàn thiện Chương trình phát triển nhà ở trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Sở Tài Nguyên và Môi trường cập nhật, rà soát, tính toán số liệu một cách chính xác, cụ thể, đầy đủ hơn nữa.
Sở Xây dựng xác định chính xác lại tên gọi, nội dung, tiêu chí của Chương trình cho phù hợp. UBND các huyện, thành phố nghiên cứu bố trí bổ sung phần vốn ngân sách địa phương để xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời có quy chế ưu đãi, bố trí quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân... trên địa bàn. Sau khi Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh được ban hành cần khẩn trương xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện.