UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I)
Thứ Năm, 09/06/2022, 05:50
Zalo
Ngày 9/6, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I).
UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I)
Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan; liên doanh Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) là dự án trọng điểm của tỉnh, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và các vùng phụ cận; tạo không gian, quỹ đất thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.486 tỷ đồng, tổng chiều dài: 22,95Km; xây dựng với quy mô trước mắt 4 làn xe; do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình (Ban QLDA) là chủ đầu tư; Nhà thầu thi công là Liên doanh Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung.
Dự án được khởi công từ tháng 3/2022, đến nay chủ đầu tư đã bàn giao hồ sơ và cọc GPMB tại thực địa cho địa phương.
Trong đó, phạm vi dự án trên địa bàn thành phố Tam Điệp có chiều dài 6,627Km. Diện tích đất dự kiến khoảng 48,2 ha; số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng theo thống kê ban đầu là 149 hộ. Sau một thời gian triển khai đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã có 12 hộ gia đình, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp hoặc cam kết đồng ý không kiểm đếm, áp giá với công trình vi phạm trên đất.
Tại địa bàn huyện Nho Quan, phạm vi dự án có chiều dài 16,323km; diện tích đất dự kiến khoảng 125,35 ha; số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng theo thống kê ban đầu là 764 hộ. Hiện tại, Hội đồng GPMB đã phối hợp với đơn vị tư vấn đo đạc, UBND 5 xã: Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương, Văn Phong, Văn Phương cùng người dân có đất bị thu hồi thực hiện trích đo hiện trạng sử dụng nằm trong phạm vi GPMB để thực hiện dự án. Song song đó, Hội đồng GPMB cũng đã phối hợp với đơn vị tư vấn định giá đất điều tra, xác định giá đất cụ thể (loại đất ở) làm căn cứ tính tiền bồi thường, hỗ trợ.
Về công tác giải ngân: Năm 2022, tổng số vốn cấp cho dự án là 205 tỷ, hiện đã giải ngân đạt 33,26 tỷ đồng.
Với khối lượng thực hiện công tác GPMB trên địa bàn thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan là rất lớn, để dự án triển khai đáp ứng yêu cầu về tiến độ, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo UBND thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan tập trung tối đa nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu để triển khai thi công đảm bảo tiến độ dự án, ưu tiên giải phóng mặt bằng trước một số vị trí trọng điểm để đơn vị thi công triển khai theo kế hoạch.
Tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành đã thảo luận phân tích những khó khăn trong công tác GPMB. Trong đó, xem xét về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xác định nguồn gốc sử dụng đất, mốc giới; chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB tập trung vào xác định phương pháp thống nhất đơn giá, khung chính sách đối với các loại cây trồng, việc kiểm đếm nhà cửa, tài sản vật kiến trúc trên đất; tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Chủ đầu và 2 địa phương xác định các điểm ưu tiên để tập trung đột phá GPMB và đưa vào thi công; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư, đơn vị thi công để triển khai dự án.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của chủ đầu tư, Hội đồng GPMB các địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn khi triển khai dự án.
Đoàn kiểm tra thực tế dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I).
Trong đó, đã chỉ rõ những thuận lợi như: Xác định tầm quan trọng của dự án do vậy tỉnh đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, các cấp ủy đảng, chính quyền thể hiện quan điểm nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi. Các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án đã có kinh nghiệm tổ chức GPMB của các dự án lớn; việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đã hoàn thành; diện tích GPMB hoàn toàn không phải đất lúa; diện tích đất của nông, lâm trường lớn.
Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những khó khăn trong công tác GPMB như: Các địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể, chưa quyết liệt và có giải pháp, phương án, kế hoạch tổng thể cho từng phần việc trong quy trình GPMB dự án. Một số cán bộ trong Hội đồng GPMB còn chưa tập trung cao nghiên cứu các quy định, chính sách để thực thi; vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể các cấp để vào cuộc vận động, tuyên truyền nhân dân đồng thuận trong GPMB còn chưa rõ...
Để công tác GPMB hoàn thành theo kế hoạch đề ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn nữa; thành lập ban chỉ đạo GPMB do đồng chí Bí thư làm Trưởng ban; giao rõ trách nhiệm, công việc cụ thể cho mỗi cá nhân để vào việc nghiêm túc, sát việc; tăng cường phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh để có phương án PGMB đồng bộ, tổng thể cho toàn tuyến.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan thành lập tổ công tác giúp việc cho UBND tỉnh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 2 địa phương về cơ chế, chính sách hiện hành trong đền bù, hỗ trợ GPMB.
Đối với 2 doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ trực tiếp giải quyết những vước mắc cụ thể để cùng với địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Các địa phương và chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thường kỳ theo quy định cho UBND tỉnh.