Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX thương mại dược liệu xã Khánh Thủy cho biết: làm dược liệu vất vả hơn các cây trồng khác vì khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến khá cầu kỳ. Ví dụ với cây trạch tả, khi thu hoạch ta phải đào lấy củ, sau đó rửa sạch, cạo hết rễ, phơi khô rồi cho vào sấy, khò diêm sinh để bảo quản. Các công đoạn này tốn rất nhiều công lao động, đặc biệt nếu gặp trời mưa thì tỷ lệ hư hỏng lên đến 30-40%. Những năm gần đây, diện tích, năng suất, sản lượng các cây dược liệu của HTX không ngừng gia tăng. Năm 2019, HTX sản xuất khoảng 210 tấn bạch chỉ, 30 tấn đương quy, 300 tấn trạch trả, 70 tấn ngưu tất… Trong khi đó, hiện nay lao động trong nông thôn không còn nhiều. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng đưa máy móc cơ giới vào để thay thế sức người. May mắn, năm 2020 này, HTX được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1 máy rửa nông sản lồng quay, 1 máy sấy đảo chiều gió. Các máy này đều sử dụng công nghệ tiên tiến, dễ vận hành, ít tiêu hao nhiên liệu, năng suất gấp 7-8 lần so với làm thủ công. Đặc biệt với máy rửa, nước còn được quay vòng để tái sử dụng nên rất tiết kiệm. Dược liệu được rửa sạch, loại bỏ hoàn toàn các tạp chất, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, sau đó lại được sấy khô nên trong quá trình bảo quản không bị mốc hay mối mọt, đảm bảo dược tính của các loại cây thuốc do nông dân sản xuất. Có thể nói, 2 thiết bị này đã giải được bài toán kép về lao động cũng như nâng cao chất lượng dược liệu sau khi thu hoạch.
Bà Đặng Huyền, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: khác với phơi sấy tự nhiên nhờ ánh nắng mặt trời và gió, sấy là biện pháp tuy tốn kém nhưng có lợi ở chỗ không bị tác động bởi thời tiết, rút ngắn thời gian làm khô, bảo vệ được một số thành phần của dược liệu khỏi bị biến đổi bởi tia U.V, ngoài ra do việc làm khô nhanh nên sẽ giúp giảm được tác động của enzym.
Ông Bùi Văn Thư, một thành viên HTX phấn khởi bày tỏ: mọi khi cứ đến mùa thu hoạch là bà con chúng tôi lo lắm, lo thuê người làm, lo trời mưa không phơi được thuốc. Giờ có máy rồi, bà con yên tâm trồng, bán sản phẩm tươi cho HTX, không phải vất vả phơi sấy nữa, cũng không lo thời tiết làm hao hụt, thất thu.
Mô hình trồng cây trạch tả theo hướng thực hành tốt nuôi trồng cây thuốc và thu hái dược liệu (GACP-WHO), gắn với hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào khâu sơ chế, chế biến là cơ sở để ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện bước tiến xa hơn trong việc phát triển dược liệu ở những vùng có thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù. Đó là việc đảm bảo chất lượng, nâng tầm sản phẩm, gắn vùng nguyên liệu với chế biến. Khi đó, các sản phẩm dược liệu của Ninh Bình nói chung, Khánh Thủy nói riêng sẽ có thị trường rộng mở hơn, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
Hà Phương