Chẳng hạn như quy định về mức đền bù khi bị thu hồi đất, bồi thường do việc giải phóng mặt bằng hoặc mức hỗ trợ của Nhà nước với việc phòng trừ bệnh dịch cúm gia cầm H5N1... Cán bộ xã, phường, thị trấn sẽ không thể giải thích, hướng dẫn, trả lời đúng nếu không có trong tay các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
|Để giúp chính quyền cơ sở có các văn bản pháp luật phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân, ngày 25-11-1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1067/QĐ-TTg quy định việc xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định này, hệ thống tủ sách pháp luật cơ sở ở tỉnh Ninh Bình đã được tổ chức xây dựng và khai thác có hiệu quả. Mô hình tủ sách pháp luật được xác định là một kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả, là nội dung quan trọng trong kế hoạch công tác hàng năm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp.
Đến hết quý III năm 2008, 147/147 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã xây dựng được tủ sách pháp luật của địa phương mình và quản lý, khai thác khá hiệu quả. Số đầu sách, báo, tạp chí pháp luật hàng năm được bổ sung định kỳ, làm cho tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn ngày thêm phong phú. Bình quân mỗi tủ sách ở xã, phường, thị trấn có từ 150-300 đầu sách. Trong 10 năm, tỉnh đã xây dựng được 748 tỷ sách pháp luật cơ sở. Bao gồm: 155 tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; 593 tủ sách ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và 116 tủ sách pháp luật ở các điểm bưu điện văn hóa xã.
Huyện Yên Khánh có mức đầu tư ban đầu cho mỗi tủ sách khoảng 3,6 triệu đồng. Mỗi năm, mỗi xã, thị trấn cấp từ 500.000 - 700.000 đồng cho một tủ sách để mua bổ sung các loại sách, báo pháp luật. Thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, huyện Yên Mô, huyện Hoa Lư, huyện Kim Sơn có mức đầu tư cho mỗi tủ sách ban đầu trung bình 2 triệu đồng. Hàng năm ngân sách địa phương bố trí từ 300.000 - 500.000 đồng cho mỗi tủ sách để mua bổ sung các loại sách, báo pháp luật. Các nhà văn hóa của tổ dân phố, thôn, xóm, điểm văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng được UBND các xã, phường, thị trấn hỗ trợ tài liệu và là điểm đọc sách, báo pháp luật bổ ích tại địa phương.
Huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan là hai đơn vị có nhiều khó khăn hơn. Nhưng tại đây một số xã được thụ hưởng các chương trình cấp, phát miễn phí sách, báo pháp luật, băng đĩa dữ liệu về pháp luật, xóa đói, giảm nghèo... theo các chương trình, dự án. Và ở những địa phương này, ngân sách cấp xã cũng dành nguồn kinh phí đầu tư ban đầu cho mỗi tủ sách khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng và cấp bổ sung hàng năm cho các ban tư pháp, trung tâm học tập cộng đồng thôn, xóm nguồn kinh phí khoảng từ 200.000 - 500.000 đồng cho mỗi tủ sách để mua các loại sách, báo pháp luật.
Về điểm đọc sách: Đa số các tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn được bố trí ngay tại văn phòng UBND, một số địa phương đã bố trí được phòng đọc sách riêng và giao cho cán bộ tư pháp - hộ tịch hoặc cán bộ văn phòng UBND quản lý và hướng dẫn cho cán bộ, nhân dân đọc, tra cứu. Một số xã ở Yên Khánh có sáng kiến giao cho hội nông dân quản lý, khai thác, bố trí các điểm đọc sách cho cán bộ hội nông dân. Theo báo cáo của địa phương, mỗi tủ sách có từ 120 - 150 lượt người/tháng tới đọc và tra cứu sách pháp luật. Việc quản lý, khai thác, cho mượn, trả sách và cập nhật biến động, số đầu sách pháp luật được luân chuyển cho các điểm đọc sách báo của bưu điện văn hóa xã và trung tâm học tập cộng đồng được thực hiện chặt chẽ.
Với số tiền gần 5 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống tủ sách pháp luật cơ sở trong năm qua cho khoảng 748 tủ sách pháp luật, tuy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị, nhưng có thể khẳng định mô hình tủ sách pháp luật cơ sở đã và đang phát huy tác dụng tốt, đáp ứng được nhu cầu cơ bản việc tìm đọc, tra cứu, khai thác tài liệu pháp luật cho cán bộ các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Để mô hình tủ sách pháp luật được sử dụng, khai thác có hiệu quả trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần nghiêm túc tổng kết, đánh giá lại việc triển khai thực hiện Quyết định 1067/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, khai thác, quản lý tủ sách pháp luật tại cơ sở. Hàng năm, các cơ quan tư pháp cần biên soạn mục lục, tài liệu tóm tắt theo các chuyên đề và thông báo những văn bản pháp luật mới, những văn bản hết hiệu lực và cung cấp các phụ lục này cho các tủ sách pháp luật cơ sở.
Theo đặc thù của từng vùng miền, cụm dân cư khác nhau cần đưa ra hình thức phù hợp về mô hình quản lý, khai thác tủ sách pháp luật với từng địa phương. Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2008-2012 cần bổ sung nội dung về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cơ sở. Việc biên soạn, đầu tư xây dựng hệ thống tủ sách pháp luật cơ sở cần tính đến hiệu quả thiết thực, tránh chồng chéo. Thực tế hiện nay có nhiều luật gia, nhà nghiên cứu, nhà xuất bản... "thi đua" biên tập sách pháp luật gắn với một vài bình luận, hướng dẫn, giới thiệu, ghi lời tựa rồi sau đó "đề nghị" cơ sở mua sách với giá cao. Trong khi đó, sách pháp luật thông thường có liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ người dân ở các địa phương nông thôn, miền núi lại rất thiếu. Một tồn tại khác là, hiện nay ở địa phương có quá nhiều đầu mối, nhiều cơ quan, đoàn thể có "dự án" cấp phát, trang bị sách pháp luật cho một vài điểm, trong khi đó ở địa phương khác thì không được thụ hưởng sự quan tâm tương tự.
Trước thực trạng đó, đã đến lúc Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý xuất bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, phát hành sách pháp luật. Thực tế thời gian qua có tình trạng có cả những đầu sách biên tập cả những văn bản đã hết hiệu lực pháp luật và "chào bán" cho các cơ quan, địa phương. Bộ Tư pháp có hướng dẫn hàng năm số đầu sách bắt buộc phải có trong các tủ sách pháp luật. Đề nghị Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tài chính, Chính phủ dành nguồn kinh phí hỗ trợ các xã, phường, thị trấn có khó khăn mua sách pháp luật theo một đầu mối thống nhất.
Quy định chế độ phụ cấp cho cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật, nhằm động viên kịp thời sự nhiệt tình, trách nhiệm, để họ làm tốt hơn việc quản lý và khai thác tủ sách pháp luật. Tổ chức định kỳ việc tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch ở các xã, phường, thị trấn. Tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của Sở Tư pháp, phòng tư pháp trong công tác xây dựng, bổ sung, khai thác tủ sách pháp luật tại cơ sở; từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp, đảm bảo 100% tủ sách pháp luật có quy chế hoạt động; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các dịp sinh hoạt, học tập cộng đồng tại địa phương.
Nguyễn Minh
(Sở Tư pháp)