Cây hoa ban (Bauhinia Variegata) có nguồn gốc ở Đông Nam á và ở Việt Nam chúng ta điểm danh được khoảng 40 loài, gồm nhiều loại đại mộc, có khi cao hơn 16-17m, tiểu mộc cao từ 1-7m hay dây leo to, nhỏ; phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng Tây Bắc (các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai).
Với người dân những nơi này, hoa ban là "cuốn lịch" mùa xuân để dựa vào đó họ tính ngày tra ngô, làm nương, nhặt cỏ... Loài hoa này còn góp mặt trong nhiều món ăn làm nên nét độc đáo cho ẩm thực vùng cao. Yêu mến vẻ đẹp, trân trọng những giá trị của hoa ban, hiện nay, nhiều nơi trong cả nước đã đưa giống hoa này về trồng.
Tuy nhiên, việc làm này phần nhiều mang tính tự phát, chọn loài ban nào cho phù hợp, nhân giống bằng phương pháp nào, chăm sóc ra sao để cây nhanh ra hoa… là những câu hỏi đang được đặt ra.
Trước vấn đề này, đầu năm 2018, Ban Quản lý Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình đã triển khai đề tài "Nghiên cứu, tuyển chọn, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển một số loài hoa ban", thuộc chương trình Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Đề tài được thực hiện trong thời gian 4 năm, với các mục tiêu cụ thể: Xây dựng vườn tập hợp giống hoa ban quy mô 0,3 ha đảm bảo tiêu chuẩn nhân giống; đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của giống hoa ban; trồng thử nghiệm mô hình 5 ha tại Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình.
Anh Phan Đức Thịnh, Thư ký Khoa học của đề tài cho biết: Những nghiên cứu về quần thể hoa ban từ trước tới nay chưa có nhiều, không có tính chất hệ thống, bài bản, đồng bộ về đặc điểm lâm học, chọn giống, nhân giống. Trong khi đó, hiện tại Ban đang quản lý gần 35 ha đất tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, một vùng đất có điều kiện địa hình khí hậu gần như tương đồng với điều kiện tự nhiên với các tỉnh miền núi phía Bắc, khá phù hợp với cây hoa ban, do vậy chúng tôi chọn đề tài này nhằm đóng góp vào sự phát triển, nhân rộng cây hoa ban tại địa phương cũng như một số tỉnh miền Bắc.
Hiện nay, đơn vị đã tiến hành thu thập các giống hoa ban từ các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai để đem về, bao gồm khoảng 4.500 hạt của 3 giống ban khác nhau cùng 360 cây hoa ban cũng thuộc 3 giống ban khác nhau có tuổi đời từ 3-4 năm tuổi, đây là những cây thực sinh và có nguồn gốc giống rõ ràng, cây sinh trưởng khỏe mạnh, không bị sâu bệnh.
Sau đó, đã trồng và xây dựng thành 1 vườn tập hợp giống quy mô 0,3 ha; 1 vườn gieo ươm 0,1ha để gieo đủ số lượng hạt giống thu thập về; 1 vườn 4.000 cây thực sinh để tiến hành ghép 3 loại mẫu giống hoa Ban lấy từ vườn tập hợp giống …
Song song với các hoạt động này là việc đo đếm, theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của cây. Nhìn chung đến thời điểm này, các cây giống đều sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Anh Thịnh cho biết thêm: Việc chọn được giống cây hoa ban phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để xây dựng thành vườn tập hợp giống sẽ là một địa chỉ cung cấp cây giống tin cậy giúp chủ động được nguồn giống, giảm giá thành cây giống góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, tạo ra diện mạo mới cho du lịch Ninh Bình.
Bên cạnh đó, Đề tài triển khai nghiên cứu các công đoạn từ gieo ươm đến các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây hoa ban từ đó sẽ đưa ra được một bản hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương nhằm nâng cao hiệu quả trong nhân giống và thâm canh cây hoa ban.
Cụ thể như với kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp ghép cây sẽ thấp, sớm ra hoa và giữ được đặc điểm di truyền của cây mẹ lấy giống. Về mặt môi trường, cây hoa ban là loài cây gỗ, sống lâu năm, có tán lá dày và rộng, hệ rễ rất phát triển và ăn sâu trong đất nên phát huy tốt khả năng phòng hộ chống xói mòn, tăng cường khả năng giữ nước, bảo vệ đất, tạo ra cảnh quan đẹp. Ngoài ra, 5 ha hoa ban của mô hình thâm canh sẽ là địa điểm có thể thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn; đây cũng là thực phẩm sạch trong chế biến ẩm thực giúp cho người dân và khách du lịch có thêm một món ăn mới.
Bài, ảnh: Hà Phương