Trầm tư ôn lại những kỷ niệm của những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, quá trình công tác, thành quả hoạt động của trung tâm, Anh tâm sự: Khuyến nông được ví như "cầu nối giữa khoa học với người nông dân", "người bạn của nhà nông"…nên một trong các nhiệm vụ quan trọng của nó là xây dựng thành công các mô hình trình diễn để tổ chức, thu hút người nông dân đến học tập và làm theo; Bởi lẽ, đối với người nông dân thì "Trăm hay, không bằng một thấy" và chỉ khi họ được thấy thì mới dễ dàng làm theo. Hiểu rõ được điều này nên ngay từ khi được thành lập, Trung tâm Khuyến nông đã chú trọng xây dựng các mô hình trình diễn ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trên các vùng miền khác nhau. Chỉ tính riêng trong năm 2010 ở lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm đã triển khai 7 mô hình gồm; Trong đó, mô hình gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay, được triển khai tại 15 điểm thuộc các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn và TP Ninh Bình. Mô hình đã cho kết quả khả quan: Chi phí nhân công, giống giảm; giải quyết được vấn đề thời vụ; năng suất tăng và hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc cấy lúa thông thường. Tuy nhiên phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và chỉ nên áp dụng ở những khu ruộng thuận tiện trong việc tưới tiêu. Mô hình cũng đã được nhiều địa phương nhân ra diện rộng nhất là huyện Nho Quan có tới hàng ngàn ha lúa được gieo thẳng bằng giàn kéo tay. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7 và LT2), quy mô 55 ha triển khai tại các xã: Lạng phong-Nho Quan; Gia Thanh, Gia Trung-Gia Viễn; Yên Thắng, Khánh Thượng-Yên Mô. Lúa trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất đạt 51,5 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc cây bằng các giống lúa khác. Mô hình đã tạo đà cho phong trào sản xuất lúa chất lượng cao phát triển và lan rộng trong toàn tỉnh, với nhiều địa phương hiện nay đã đưa cơ cấu giống lúa chất lượng cao mỗi vụ từ 30-50% tổng diện tích gieo cấy. Có nhiều HTX đã cấy gần như 100% diện tích vụ mùa là lúa chất lượng cao: Hợp Tiến (Khánh Nhạc-Yên Khánh), Vĩnh Yên, Liên Phương (Yên Nhân-Yên Mô)…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, với chủ trương của tỉnh tập trung phát triển một số loại con nuôi chủ lực phục vụ nội tiêu và xuất khẩu trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng sinh thái. Xuất phát từ tình hình thực tế đàn bò trên địa bàn tỉnh, phát huy hiểu biết về chuyên môn đã học, Anh đã đề xuất triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt bằng 2 phương pháp: thụ tinh nhân tạo và phối giống trực tiếp với bò đực có 3/4 máu Sind. Đây là chương trình rộng và dài, Trung tâm đã đưa về 200 bò đực giống tốt(3/4 máu Sind) và mở lớp đào tạo cho 30 cán bộ dẫn tinh viên. Từ 2 cách làm này mà mỗi năm có khoảng gần 10.000 bê lai ra đời, góp phần làm tăng nhanh tỷ lệ bò lai Sind và tăng từ 20-30% năng suất, chất lượng, hiệu quả cho người chăn nuôi so với việc nuôi bò nội. Nếu như năm 2000 tỷ lệ bò lai Sind trong địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 15%, thì đến cuối năm 2010 tỷ lệ này đã đạt khoảng 80% tổng đàn bò của cả tỉnh( Khoảng 45.000 con). Trung bình một bê lai bán được 6-7 triệu đồng, trong khi đó bê nội chỉ bán với được 3-4 triệu đồng/con. Điều quan trọng hơn là chương trình đã góp phần vào việc cải tạo tầm vóc đàn bò (Trọng lượng bê lai và bò lai trưởng thành cao hơn bò nội); Tăng tỷ lệ thịt xẻ; Tăng khả năng chống chịu với bệnh tật và mỗi năm tạo ra hàng nghìn con bò cái lai Sind để làm đàn nái nền tạo đà cho lĩnh vực chăn nuôi bò phát triển theo hướng chuyên thịt, chuyên sữa.
Chăn nuôi phát triển cũng tạo ra những thách thức lớn về môi trường, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi thức ăn công nghiệp lại là chủ yếu. Hình thức chăn nuôi trên địa bàn phần đa là nhỏ lẻ, quy mô hộ, gia đình…Nên vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân càng trở lên trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này từ năm 2006, Anh và Trung tâm đã tham mưa cho Sở, Tỉnh triển khai chương trình khí sinh học (Bioga), áp dụng cho các hộ gia đình có tiềm năng trong chăn nuôi: trong chuồng luôn có từ 5-10 con lợn, hoặc 3-5 con trâu, bò; có địa hình, không gian xây dựng được công trình. Cho đến cuối năm 2010, Trung tâm đã xây dựng và đang hoạt động có hiệu quả 3.500 hầm Bioga kích cỡ từ 6m3 đến 25m3, có công trình lên tới 50m3. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh người dân còn tự bỏ kinh phí xây dựng thêm được khoảng 1.500 hầm nữa. Đây là chương trình mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao: chất thải, nước thải trong chăn nuôi được đưa xuống hầm, phân giải, phân hủy tạo ra khí Mêtan; lượng khí này được thu lại và đưa vào sử dụng điện thắp sáng, đun nấu, chạy máy lạnh... Điều quan trọng hơn là mùi hôi, thối của các chất thải, phế thải trong chăn nuôi không còn, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe cho người chăn nuôi và nhân dân trong vùng.
Trong câu chuyện, anh không nói nhiều về mình và chỉ nói có vậy! nhưng tôi hiểu còn nhiều công việc trung tâm đã làm được: Đạt giải nhất cuộc thi khuyến nông viên giỏi toàn quốc năm 2010, triển khai thành công nhiều mô hình khác…và mọi thành tích của Trung tâm có công đóng góp, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của người kỹ sư nông nghiệp, giám đốc trung tâm này./.
Đinh Chúc