Nắng nóng gay gắt không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân. Những ngày nắng nóng, trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 16h chiều, mọi hoạt động sản xuất ngoài đồng hầu như bị ngừng trệ, số người say nắng, ốm đau phải nhập viện tăng lên, nhất là người già và trẻ em.
Với những đợt nắng nóng như vậy, mọi người đều phải sử dụng tối đa các thiết bị điện làm mát. Nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng lên. Từ đó, nguồn điện cần cho sản xuất, và sinh hoạt tăng đột biến đã dẫn đến việc "cung" không đáp ứng đủ "cầu" và nhiều nơi bị mất điện ngoài dự kiến. Theo tính toán của ngành Điện, hàng năm lượng điện cần cho sản xuất và sinh hoạt tăng từ 15-20%, trong khi đó nguồn cung ứng lại có hạn, mặc dù ngành Điện đã tìm mọi cách để đáp ứng, nhưng vẫn chưa thỏa mãn. Vì vậy, tiết kiệm điện vẫn là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp… cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng sử dụng điện tiết kiệm bằng chính hành động của mình, từ những việc nhỏ nhất như: thực hiện "ra tắt, vào đóng", sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, chỉ dùng điện khi thật cần thiết và dùng vào giờ thấp điểm… Ngành Điện đã có kế hoạch cụ thể trong việc cung ứng nguồn điện cho các cơ quan, đơn vị, các vùng miền; cũng như có kế hoạch cắt giảm điện khi cần. Theo đó, các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, các công trình trọng điểm, các khu văn hóa - xã hội quan trọng, sản xuất nông nghiệp mà trọng tâm là phục vụ tưới tiêu cho lúa và hoa màu được ưu tiên cấp điện… Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất cũng như trong sinh hoạt, ý thức tiết kiệm điện cần phải được đề cao, sử dụng điện hợp lý, có hiệu quả.
Trường Sinh