Hiện nghề trồng rau ở nhiều địa phương đang bộc lộ mặt tiêu cực đó là việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tùy tiện dẫn dến chất lượng rau mất an toàn, mất thị trường tiêu thụ, năng suất, lợi nhuận thấp. Từ thực tế đó, vụ đông năm 2013, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT đã thực hiện mô hình xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tại HTX Ninh Hồng, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh với mục tiêu giải quyết các hạn chế trong sản xuất rau truyền thống, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường hướng tới một nền sản xuất an toàn, bền vững, lợi nhuận cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, dự án đã có tác động rõ rệt và toàn diện tới tập quán canh tác của người trồng rau, cải thiện đáng kể nhận thức của họ về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất.
Chúng tôi đến HTX Ninh Hồng vào đúng thời điểm bà con nông dân nơi đây đang tập trung sản xuất rau vụ đông. Ông Lại Việt Hùng Phó chủ nhiệm HTX cho biết: Bây giờ nông dân ra đồng, bên cạnh cái cuốc, cái cày còn phải mang cả giấy bút nữa. Bởi để sản xuất rau theo tiêu chuẩn rau an toàn bà con xã viên phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, tất cả những tác động lên cây trồng như việc bón phân, phun thuốc đều phải được ghi chép lại một cách đầy đủ.
Ông Phan Trọng Luân, phố Mai Hoa, một hộ nông dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn phấn khởi cho biết: Trước đây làm rau theo phương pháp truyền thống, nếu thấy rau có sâu bệnh là phun thuốc, muốn rau xanh non lại bón đạm, không tuân theo một quy trình nào cả. Nhưng từ khi tham gia mô hình sản xuất rau an toàn, bà con chúng tôi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc phù hợp với đặc tính của từng loại rau, do vậy rau ít sâu bệnh hơn, việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV cũng hạn chế, thay vào đó là phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Chị Đinh Thị Lan cũng là một trong những hộ tham gia mô hình thì lại cho rằng: Làm rau an toàn năng suất có giảm đôi chút, giá cũng chỉ bằng rau thông thường nhưng gia đình tôi vẫn làm vì trước hết là để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng. Tôi hy vọng sản phẩm rau của chúng tôi sẽ có thương hiệu và biết đâu giá sẽ cao hơn.
Ông Lại Việt Hùng cho biết thêm: Tham gia mô hình này các xã viên được tập huấn dưới hình thức "cầm tay, chỉ việc", kết hợp giữa nghe, thấy và trực tiếp làm. HTX cũng đã được Chi cục giúp đỡ xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng, bao gồm: Chính sách chất lượng; mục tiêu chất lượng; quy trình kỹ thuật và các quy định về quản lý và sử dụng giống, đất trồng, phân bón, thuốc BVTV, vệ sinh cá nhân, quản lý chất thải, thu hoạch… Đồng thời hỗ trợ xây dựng 4 hố chứa chất thải như chai, lọ, bao bì thuốc BVTV nằm trong vùng sản xuất nhằm quản lý tốt chất thải đưa về nơi xử lý. Sau một thời gian thực hiện, thấy được lợi ích về năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế do trồng rau an toàn mang lại, nhiều gia đình đã tham gia mô hình và đến nay toàn HTX có 50 hộ tham gia với diện tích gần 10 ha. Sản phẩm rau của HTX đã từng bước gây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, hướng tới xây dựng thương hiệu cho vùng rau nơi đây.
Khẳng định việc quản lý theo chuỗi là một giải pháp tốt nhất để quản lý chất lượng thực phẩm, ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết: Trong mô hình này chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ khảo sát, đánh giá, tiến hành công tác quản lý chất lượng, lấy mẫu xét nghiệm kiểm soát chặt các yếu tố đầu vào như đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu… Chi cục đã tiến hành lấy 4 mẫu đất và 4 mẫu nước để phân tích hàm lượng kim loại nặng. Trong quá trình sản xuất, mọi tác động lên cây trồng đều được giám sát chặt chẽ, Chi cục đã tiến hành lấy 10 mẫu rau để kiểm định hoạt chất thuốc BVTV và chất cấm. Kết quả 100% các mẫu đều đảm bảo an toàn.
Dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng việc xây dựng những vùng sản xuất rau an toàn là mục tiêu hướng tới của ngành nông nghiệp tỉnh ta. Để sản phẩm thực sự là địa chỉ tin cậy với người tiêu dùng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mỗi người dân vùng trồng rau cần lao động một cách nghiêm túc, thực sự hiểu được tầm quan trọng của mình để nâng cao hơn nữa chất lượng của rau an toàn, phần nào làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu