Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam tại chùa Bái Đính-Ninh Bình.
Triển lãm ảnh là một cuộc trình hiện khá quy mô nhằm giới thiệu đến các đại biểu tham sự Đại lễ Vesak 2008 về đất nước và con người Việt Nam. Triển lãm bao gồm 800 bức ảnh thuộc năm nhóm nội dung:
Ngôi chùa Việt Nam 20 thế kỷ hình thành và phát triển với 200 bức ảnh giới thiệu về các ngôi chùa, tháp, tượng thờ nổi tiếng trong cả nước và các hệ phái Phật giáo đặc thù; hoạt động sinh hoạt phật sự của các tỉnh, thành phố và các trường phật học toàn quốc; phật giáo và cuộc sống; thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ và Nepal.
Điểm nhấn của cuộc triển lãm ảnh thu hút được đông đảo khách thăm quan và phật tử là 121 bức ảnh mầu cỡ 60cmx90cm giới thiệu 121 Kỷ lục Phật giáo Việt nam do nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường thực hiện. Những kỷ lục này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập từ tháng 12-2004 đến tháng 4-2008.
Du khách chiêm ngưỡng cổ vật Phật giáo Việt Nam.
Triển lãm còn ghi nhận những kỷ lục lạ như tượng Bồ Đề Đạt ma bằng tóc cao 2,32m toàn bằng tóc ở chùa Tây Tạng (Bình Dương), đại hồng chung ở chùa Bái Đính thuộc khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) có quả chuông nặng đến 36 tấn, là quả chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tượng Di Lặc cao 33,6m, dài 30m, nặng 1.690 tấn bê tông cốt thép ở tỉnh An Giang.
Ban tổ chức còn mở rộng ra tìm kiếm và xác lập kỷ lục ở các lĩnh vực hoạt động xã hội mới có thể phản ánh được hết các nội dung của kỷ lục Phật giáo. Như làng nghề tạc tượng và làm đồ thờ phụng Phật pháp lớn nhất Việt Nam là ở Sơn Đồng thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, hiện có khoảng 250 gia đình đang tiếp tục nghề tạc tượng và sơn son thếp vàng.
Ngoài ra còn có những kỷ lục do tập thể thực hiện vào các dịp lễ lớn. Thí dụ lễ hội hoa đăng với khoảng 20.000 người tham dự ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh). Lễ cầu siêu ở Quảng Trị với phẩm vật dâng cúng lớn nhất gồm 11.000 chiếc bánh chưng, 11.000 ngọn nến, 11.000 đóa hoa hồng, 11.000 trái chuối.
Chùa Dâu (Bắc Ninh)-ngôi chùa cổ nhất Việt Nam.
Triển lãm Cổ vật Phật giáo Việt nam cũng đã thu hút được nhiều chuyên gia và những người đam mê cổ vật trong cả nước. Triển lãm trưng bày gần 300 hiện vật với nhiều chất liệu như gốm, sứ, đá, đồng với những cổ vật tiêu biểu như Tượng Ni- Đồng-thế kỷ V, TCN; Thạp hoa nâu-gốm, thế kỷ XII; Chuông Thanh Mai, đồng, thế kỷ IX; vật liệu kiến trúc Phật giáo, gốm đất nung, thế kỷ XI...
Phát biểu trong lễ khai mạc, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ tưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Trưởng tiểu ban tuyên truyền Đại lễ phát biểu: " Tôi thật sự cảm kích trước những nỗ lực mà Ban Tổ chức và các phật tử tâm huyết đã chuẩn bị trong một thời gian rất ngắn. Tất cả những nội dung, bức ảnh và hiện vật được trưng bày trong cuộc triển lãm này khẳng định tinh thần văn hóa của Phật giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc".
Phật tử Thanh Nghiêm, đến từ thành phố Hồ Chí Minh xúc động cho biết: " Qua cuộc triển lãm này, phật tử chúng tôi càng yêu Phật giáo và dân tộc mình hơn. Việt Nam không có những ngôi chùa đồ sộ như ở Trung Hoa hay Thái-lan, nhưng không thiếu những tác phẩm điêu khắc hồn hậu tinh tế thể hiện qua các cổ vật, những bức tượng Phật mang chân dung con người Đại Việt thuần khiết và những ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo và tinh tế. Có thể thấy qua cuộc triển lãm, người xem tìm thấy những dấu ấn của Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử dân tộc".
Bên cạnh các hoạt động của triển lãm trình hiện các tác phẩm nghệ thuật văn hóa Phật giáo, một số hoạt động văn hóa-văn nghệ được diễn ra trong tuần lễ hứa hẹn đầy sôi nổi và có tính nhân văn cao như: văn hóa ẩm thực Phật giáo, thả hoa đăng, thắp nến cầu nguyện hòa bình, các chương trình sân khấu hóa tái hiện về lịch sử Đức Phật Thích Ca, sân khấu ca nhạc ngoài trời.
Tất cả đều diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia từ 13 đến hết ngày 17-5.
TheoNhandan