P.V: Thưa đồng chí, thời gian qua, ngành Thuế đã áp dụng những giải pháp nào để chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu?
Đ/c Hà Văn Hiếu: Trong những năm qua công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp. Hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, góp phần phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, công tác phối hợp trong quản lý quy hoạch và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng gian lận về hóa đơn, đo lường số lượng, chất lượng, nguồn hàng cung cấp và các hành vi mua bán xăng dầu ngoài luồng, kê khai thuế không đúng số lượng thực tế tiêu thụ, gây thất thu ngân sách Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Trước thực trạng đó, ngành Thuế đã áp dụng đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, giám sát chặt chẽ hồ sơ kê khai thuế, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ thuế.
Đặc biệt vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan thuế với các sở, ngành chức năng như: Sở Công thương, Sở KH&CN, Công an tỉnh, Tài chính... UBND các cấp trong quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Nội dung chính của Chỉ thị số 11 tập trung triển khai biện pháp kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ các cây xăng xuất bán tiêu thụ. Thông qua việc kiểm soát được chỉ số trên công tơ, cơ quan thuế sẽ kiểm soát được sản lượng xăng dầu các doanh nghiệp xuất bán, kiểm soát được doanh thu và hóa đơn xuất bán, từ đó góp phần chống thất thu ngân sách, ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cũng như ngăn chặn được các nguồn xăng dầu ngoài luồng nhập lậu chất lượng thấp, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
P.V: Xin đồng chí cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ các cây xăng trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Hà Văn Hiếu: Phải khẳng định rằng việc kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng tại các cột bơm xăng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là hết sức thuận lợi, do có sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự chủ động của ngành Thuế, sự quan tâm phối hợp của các ngành, các địa phương.
Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn đã thông tin kịp thời góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt việc kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ tổng cột bơm xăng, dầu.
Không thể phủ nhận việc thực hiện kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng tại các cột bơm xăng dầu là một trong những giải pháp quan trọng để chống thất thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn đó là số lượng cán bộ có hạn, thời gian thực hiện dán tem, kẹp chì theo chỉ đạo của UBND tỉnh phải hoàn thành chưa đầy 1 tháng (từ 3/1-30/1/2017), trong khi đó số lượng các cửa hàng xăng dầu lại nằm rải rác trên địa bàn toàn tỉnh nên đoàn công tác phải làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, cá nhân chưa nhiệt tình ủng hộ nên đoàn công tác cũng phải dành nhiều thời gian để thực hiện tại một số điểm.
P.V: Xin đồng chí đánh giá những hiệu ứng ban đầu khi tỉnh triển khai kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng tại các cột bơm xăng dầu?
Đ/c Hà Văn Hiếu: Với việc xây dựng kế hoạch khoa học và hợp lý, các cán bộ thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 3/1-19/1/2017) đoàn liên ngành của tỉnh do ngành Thuế chủ trì đã thực hiện kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng tại 504 cột bơm xăng dầu, đạt tỷ lệ 100% các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công việc này mới chỉ là bước đầu của giải pháp chống thất thu thuế, bước tiếp theo ngành Thuế cùng với các ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra đối chiếu sản lượng xăng dầu xuất bán với hồ sơ khai thuế để đánh giá tính trung thực của các cơ sở kinh doanh trong việc kê khai nộp thuế; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Chúng tôi tin tưởng rằng với việc áp dụng giải pháp kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng tại các cột bơm xăng dầu, số thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ tăng trưởng đáng kể từ 30% trở lên so với trước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm xăng dầu đảm bảo chất lượng và tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên địa bàn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)