Trong kế hoạch tái cơ cấu, Yên Mô chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi-thủy sản, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản năm 2016 đạt 2,05%.
Về nội dung đề án tái cơ cấu, Yên Mô tập trung ổn định diện tích lúa trong năm khoảng 13.000 ha, mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại đạt 62%; tăng diện tích trồng ngô thương phẩm, ngô ngọt xuất khẩu; ổn định tiện tích trồng lạc...
Trong chăn nuôi hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư, trong đó có 1-2 trang trại chăn nuôi có quy mô lớn. Đối với nuôi trồng thủy sản, chuyển dần tập quán nuôi thủy sản từ quảng canh sang nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh; tiếp tục mở rộng diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa theo quy hoạch lên trên 470 ha;..
Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2016 huyện Yên Mô tập trung vào thực hiện rà soát, tổ chức thực hiện quy hoạch ngành phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh và hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích, hướng dẫn hình thành các HTX, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất tập trung, đa dạng hóa các hình thức liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất đảm bảo sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm và phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT triển khai mô hình thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp về sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Yên Thái.
Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý, đưa ra những giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô trong thời gian tới.
Hồng Giang - Đức Lam