Năm 2014, cơ cấu cây trồng vụ đông đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoặc dễ tiêu thụ được người dân mở rộng sản xuất. Với diện tích gieo trồng đạt trên 11.660 ha, sản lượng cây trồng toàn vụ ước đạt gần 123 nghìn tấn.
Tổng giá trị sản xuất vụ đông ước đạt trên 649 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân đạt 56,6 triệu đồng/ha. Trong đó, một số loại cây trồng có giá trị thu nhập cao như: ớt 101 triệu đồng/ha; bí xanh 97-98 triệu đồng/ha; khoai tây 91 triệu đồng/ha; khoai sọ 93-94 triệu đồng/ha; trạch tả 94 triệu đồng/ha….
Với chủ trương phát triển sản xuất vụ đông theo định hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo vụ đông 2015 không chú trọng mở rộng diện tích mà tập trung thâm canh các cây trồng có đầu ra, dễ bảo quản, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 12.300 ha cây trồng các loại. Trong đó, nhóm cây chủ lực được xác định là: đậu tương 440 ha, ngô trên 3.000 ha, khoai tây 750 ha, khoai lang trên 1.400 ha, rau các loại 4.500 ha.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất vụ đông năm 2015; chia sẻ những kinh nghiệm, thành công trong sản xuất vụ đông tại địa phương; đề ra các biện pháp phòng, chống kịp thời sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để sản xuất vụ đông giành thắng lợi.
Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nông dân phù hợp, đồng bộ để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có thể triển khai trên diện rộng, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Có cơ chế khuyến khích phát triển các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; tạo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ từ khâu sản xuất đến sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn cũng đã thông báo về số lượng, chủng loại các mặt hàng nông sản cần thu mua để các địa phương nắm bắt, ký kết và lên kế hoạch sản xuất.
Hà Phương