PV: Thưa đồng chí, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/T.Ư ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Xin đồng chí đánh giá khái quát những kết quả nổi bật của việc thực hiện Chỉ thị 03 trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Phạm Quang Ngọc: 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/T.Ư của Bộ Chính trị, trọng tâm là chuyển từ "học tập" sang "làm theo" Bác, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cấp đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo, tìm tòi những cách thức triển khai phù hợp với địa phương, đơn vị, cụ thể hóa nội dung Chỉ thị, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị mình cũng như giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị, từng bước giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề tồn đọng. Qua thực hiện Chỉ thị 03, tinh thần trách nhiệm, lề lối, tác phong làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm gương mẫu đi đầu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng lên, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được sự đồng tình ủng hộ, tự giác tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
PV: Xin đồng chí cho biết nội dung cốt lõi của Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những điểm mới so với Chỉ thị 03 trước đây?
Đ/c Phạm Quang Ngọc: Vấn đề bao trùm, cốt lõi trong Chỉ thị 05 là: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ. Không lý thuyết, không nói suông, không chung chung, hình thức. Phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương của Bác với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và với mỗi một cán bộ, đảng viên. Việc không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành với kết quả không cao cũng được xem là chưa nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương của Bác. Và trong việc thực hiện cần phải "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật".
Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" có nhiều điểm mới so với Chỉ thị 03 trước đây, cụ thể:
Thứ nhất, nội dung Chỉ thị 05 xác định: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học Bác đối với công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, chứ không chỉ giới hạn trong nhóm giải pháp về chính trị tư tưởng.
Thứ hai, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ ba, Bộ Chính trị nhấn rất mạnh vai trò của "người đứng đầu". Chỉ thị nêu rõ phải "xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ". Trong số những phương châm thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị nhấn mạnh "trên trước, dưới sau"; "trong trước, ngoài sau", trong đó, rất quan trọng là phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị, một lần nữa, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho cấp ủy các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo.
Thứ tư, Bộ Chính trị yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/T.Ư về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Trong đó, nhấn mạnh gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, Bộ Chính trị đặc biệt yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/T.Ư về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Bộ Chính trị không chỉ dành riêng một nội dung để yêu cầu về công táo giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, mà còn chỉ rõ từng nội dung cần đưa vào chương trình để bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.
Thứ sáu, Bộ Chính trị yêu cầu rất cao về việc gắn "xây" với "chống"; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hàng năm và cả nhiệm kỳ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Thứ bảy, Bộ Chính trị rất quan tâm đến vấn đề xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, Chỉ thị 05 yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm "sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện".
Thứ tám, trong Chỉ thị 05-CT/T.Ư không giới hạn thời gian thực hiện, như trong Chỉ thị 06-CT/T.Ư và Chỉ thị 03-CT/T.Ư đều xác định việc thực hiện chỉ thị để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc nhiệm kỳ khóa X và khóa XI. Lần này, Bộ Chính trị ban hành một Chỉ thị 05 rộng hơn về nội hàm, cao hơn về yêu cầu và lâu dài hơn về thời gian.
PV: Để Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực cần tập trung thực hiện những giải pháp gì thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Quang Ngọc: Để việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đạt kết quả và yêu cầu đề ra, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:
Một là, tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền về nội dung Chỉ thị để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cấp ủy, tổ chức Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, tổ chức các cấp đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành một nội dung quan trọng trong chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và nghị quyết Đại hội Đảng cấp mình. Quá trình thực hiện phải gắn kết chặt chẽ với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Hai là, tiếp tục chỉ đạo đưa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành nội dung sinh hoạt thường xuyên, quan trọng của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị…, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện đạo đức công vụ, cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… trong thực thi nhiệm vụ.
Ba là, xác định đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Bốn là, coi trọng vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc học tập và làm theo Bác. Đồng thời, nâng cao hơn nữa hoạt động của Ban Tuyên giáo các cấp trong việc tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05.
Năm là, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, giới thiệu những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; đồng thời phê phán những tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng, còn hình thức để tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm "trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau"…
PV: Thưa đồng chí, từ nay đến hết năm 2016, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở tỉnh ta tập trung vào những công việc cụ thể nào?
Đ/c Phạm Quang Ngọc: Thời gian từ giờ đến hết năm 2016 không còn nhiều, vì vậy, để thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện của Tỉnh ủy. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần của Chỉ thị số 05-CT/T.Ư sẽ do cấp ủy các cấp, trực tiếp là Ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo; Ban tuyên giáo các cấp là cơ quan giúp cấp ủy chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị và tuyên giáo, tuyên huấn các ngành, các đoàn thể giúp cấp ủy và lãnh đạo các ngành, đoàn thể cùng cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2016 về thực hiện "Nếp sống văn hóa công sở" tạo chuyển biến rõ nét về thực hiện chế độ công vụ, ứng xử văn hóa và xây dựng môi trường làm việc lành mạnh ở công sở. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nghiêm túc việc tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần. Thông qua việc tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; góp phần bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, rèn luyện kỹ năng, cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình, nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đẩy mạnh thực hiện "Nếp sống văn hóa công sở". Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện thí điểm ở một số cơ quan, đơn vị trong 3 tháng, từ tháng 11-2016 đến tháng 1-2017. Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm ở các đơn vị thí điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần trong toàn tỉnh.
Với những cách làm khoa học, với những giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị sẽ sớm trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Quỳnh Thu (Thực hiện)