Cùng dự, có các đồng chí thành viên BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh; lãnh đạo các đơn vị có liên quan và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Năm 2018, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATTP được các sở, ngành phối hợp thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, dễ tiếp cận, đặc biệt tập trung vào các dịp trọng điểm như Tết, mùa lễ hội, tết Trung thu... Cùng với đó, công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm cũng được thực hiện quyết liệt.
Trong năm, toàn tỉnh đã lập 347 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, triển khai thanh, kiểm tra được trên 9000 lượt cơ sở, trong đó phát hiện trên 1200 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền trên 1 tỷ đồng; xử lý tịch thu và buộc tiêu hủy đối với nhiều sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với vấn đề ATTP.
Các chỉ tiêu kiến thức và thực hành đúng về ATTP của các nhóm đối tượng đều vượt so với kế hoạch đề ra trong năm với tỷ lệ người lãnh đạo quản lý, người sản xuất, chế biến, người kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm có kiến thức và thực hành đúng về ATTP lần lượt là 95,3%, 82,5%, 83,8%, 85,6%.
Tại hội nghị, đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh đã triển khai công tác ATTP năm 2019 và kế hoạch Tháng hành động vì ATTP năm 2019 với chủ đề "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" được triển khai từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2019 trên phạm vi toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nhận thức của mọi người dân về công tác ATTP được nâng cao, đó là thuận lợi cơ bản nhất để công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh vượt các chỉ tiêu kiến thức và thực hành đúng về ATTP ở cả 3 nhóm đối tượng.
Tuy vậy, hiện nay công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng vẫn còn tồn tại; việc kiểm soát ATTP theo chuỗi chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là tình trạng ngộ độc thực phẩm tăng cao hơn so với các năm trước.
Muốn hạn chế thấp nhất được thực trạng này hướng tới đẩy lùi thực phẩm giả, thực phẩm "bẩn" ra khỏi đời sống xã hội thì đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm cao của các thành viên trong BCĐ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên BCĐ, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến mọi đối tượng, đặc biệt là đến với những người trực tiếp làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để đảm bảo ATTP.
Ngành Công thương và Nông nghiệp cần tiến hành rà soát các cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý. Tăng cường công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực phân công quản lý, nhất là đối với làng nghề sản xuất bún, bánh, rượu thủ công và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc BVTV…
Ngành Y tế tăng cường quản lý tại các cơ sở bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng… đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, trên cơ sở các lĩnh vực được phân công phụ trách, cần chủ động, sáng tạo trong triển khai các giải pháp góp phần đảm bảo ATTP.
Nguyễn Hùng - Minh Quang