Cùng dự có lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Du lịch; Y tế; Liên minh HTX, Hội nông dân; Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh; phòng Nông nghiệp&PTNT hoặc kinh tế các huyện, thành phố; một số doanh nghiệp, tổ hợp tác và HTX trên địa bàn tỉnh.
Qua điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp &PTNT), toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 33 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm; trong đó nhóm thực phẩm có 18 sản phẩm; nhóm đồ uống có 2 sản phẩm; nhóm thảo dược có 2 sản phẩm; nhóm vải, may măc có 2 sản phẩm; nhóm hàng lưu niệm có 5 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 4 hoạt động.
Có 13 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng (thực phẩm 9, đồ uống 2, thảo dược 1, lưu niệm 1) và 11 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (thực phẩm 9, đồ uống 2)...
Tại hội nghị, các đại biểu được tiếp cận với các văn bản: Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP về phê duyệt đề cương chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; văn bản số 4914/BNN-VPĐP về xây dựng chương trình; văn bản 248/UBND-VP3 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình; văn bản số 935/SNN-KHTC của sở Nông nghiệp &PTNT về triển khai thực hiện chương trình; Báo cáo về điều tra , khảo sát các sản phẩm phục vụ chương trình; các mẫu biểu điều tra khảo sát...
Đồng chí Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng điều phối XDNTM Trung ương truyền đạt nội dung chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2017-2020, tầm nhiền đến năm 2030.
Theo đó thì thực hiện Chương trình là giải pháp thiết thực, hiệu quả để cơ cấu lại và phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở khu vực này phát triển.
Xác định được và có chiến lược phát triển 3 cấp độ phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn: Quốc gia, tỉnh và địa phương. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất và quản lý tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao.
Tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho khu vực nông thôn với nhiều sản phẩm đặc trưng mang đậm nét văn hóa vùng miền; khơi dậy niềm tự hào, tự tin, sáng tạo của mỗi người dân ở các vùng quê.
Tạo ra sự quyến rũ của khu vực nông thôn, thu hút lao động và nguồn vốn đầu tư vào khu vực này; giúp cho công cuộc XDNTM bền vững và thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Đây là hội nghị nhằm hiểu sâu, rõ hơn Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" và là hướng đi để mỗi địa phương sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa, an toàn, hiệu quả.
Triển khai thực hiện chương trình này, Ninh Bình chủ trương mỗi vùng có một số sản phẩm đặc trưng và hiện đã có: Khoai sọ-Nho Quan; lúa chất lượng cao- Yên Khánh, Kim Sơn; tôm, ngao-Kim Sơn; cá--Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô; dược liệu- Yên Khánh, Kim Sơn, Nho Quan... với nhiều sản phẩm có làng nghề, có thương hiệu được khẳng định khi tham gia thị trường.
Những sản phẩm mới tham gia thị trường cần phải đáp ứng yêu cầu: Có quy trình sản xuất đảm bảo an toàn cho chính mình và người tiêu dùng; mẫu mã đẹp, bắt mắt; chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; giá cả phù hợp; tạo lập được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và hình thành thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, có chỉ dẫn địa lý...
Đồng chí phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; hướng dẫn, tạo mô hình thông quá đó để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Từng đơn vị, địa phương xác định rõ tiềm năng, thế mạnh có sản phẩm đặc trưng cho mình. Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau làm tốt việc xác định thương hiệu sản phẩm, gắn nhãn mác sản phẩm và chỉ dẫn địa lý sản phẩm.
Đinh Chúc