Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Ninh Bình cho biết, hiện thành phố đã có quy hoạch xây dựng Nhà văn hóa (NVH) đa năng cho hầu hết các xã, phường trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay các phường vẫn không thể bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) do... chưa có kinh phí.
Được biết, để xây dựng một NVH hoàn chỉnh thì sẽ mất khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng. Phần còn lại, phường và nhân dân địa phương phải tự túc. Ông Lê Đức Ninh - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Khánh (Tp Ninh Bình) cho biết: "Số tiền 350 triệu mà địa phương phải "tự kiếm" là khá lớn. Đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn, do vậy việc kêu gọi đóng góp thời điểm này chắc chắn chưa thể được. Có lẽ, việc xây dựng NVH sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa…". Như vậy, giấc mơ về một NVH đa năng vẫn chưa thể thành hiện thực.
Bé tập bán hàng (trường mầm non Tân Thành, Tp NB). Ảnh: P.Trường
Trước mắt, giải pháp mà hầu hết các phường trên địa bàn thành phố lựa chọn nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi cho gần 10.000 trẻ em trong dịp hè này là phân vùng, đưa trẻ em về sinh hoạt hè tại các NVH cộng đồng (NVH của phố, nơi các em đang sinh sống). Với diện tích chưa đầy 60 m2, những NVH này vốn được xây dựng để làm nơi sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng. Chính vì tính chất sinh hoạt tổng hợp nên tìm một sân chơi thực sự cho trẻ em ở những NVH này là không thể đáp ứng được. Do diện tích quá chật, cơ sở vật chất nghèo nàn nên thỉnh thoảng các NVH này mới tổ chức được vài hoạt động đơn lẻ. Những nội dung sinh hoạt chỉ đủ khả năng thu hút trẻ em dưới 5 tuổi hoặc học sinh bậc tiểu học.
Ông Vũ Hữu Kiều - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Viễn khẳng định, ở nông thôn, chỗ chơi cho trẻ em đang bị thu hẹp dần. Các sân kho HTX được hóa giá đấu thầu, sân đình, sân chùa được giao khoán trông coi. Bọn trẻ chỉ còn cách tìm những chỗ "đầu thừa, đuôi thẹo" tranh thủ mà chơi. Hiện nay, ở các xã trên địa bàn huyện Gia Viễn đang nở rộ phong trào xây dựng NVH. Không ít NVH mọc lên khá khang trang, thế nhưng, sau khi khánh thành lại không phát huy được tác dụng. Bởi thiếu trang thiết bị, không có sách báo, không đài, ti vi… thi thoảng, người ta mới sử dụng nó vào việc… họp dân. Qua khảo sát, những ấn phẩm báo chí, văn hóa phẩm đến tay thiếu nhi nông thôn vẫn còn rất hiếm.
Mùa hè năm nay, các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo các cơ sở tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi nhằm tạo cho các em nhiều sân chơi bổ ích. Nếu hoạt động này không được quan tâm thực sự thì các chương trình vui chơi sẽ rơi vào sự tẻ nhạt, lặp lại, không thu hút được các em vào hoạt động. Thực tế cho đến thời điểm hiện nay, những người được đào tạo, nghiên cứu chuyên về tổ chức các chương trình giải trí, sinh hoạt phục vụ trẻ em ở Ninh Bình không nhiều. Do vậy, cần thiết phải có những sân chơi riêng cho trẻ em, nhưng có sân chơi thôi chưa đủ, phải có đội ngũ chuyên môn về lĩnh vực này.
Giờ học vẽ (Trung tâm TTN Ninh Bình). Ảnh: PhạmTrường
Không có chỗ chơi, bọn trẻ tập trung nhau ra các ngã ba đầu làng, ven các quốc lộ chạy qua thôn mà chơi. Chúng đá bóng, đá cầu dưới lòng đường, trêu đùa những người qua đường… Chơi chán, chúng hò nhau đi tắm sông. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng do nguyên nhân này. Mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn đằng sau không chỉ là vấn đề sức khỏe, mà còn là hàng loạt những tệ nạn xã hội. Thiếu chỗ chơi nên các quán chơi điện tử trở thành điểm đến "lý tưởng" của các em.
Theo ước tính, riêng trên địa bàn thành phố đã có gần 200 quán Internet. Vào hè, số lượng trẻ em vào các điểm kinh doanh Internet nhiều hơn mà trong đó phần đông các em chơi game và "chát". Những hiện tượng học sinh vào Website có nội dung không lành mạnh, học sinh cầm đồ, gây gổ đánh nhau tại các tụ điểm này đã được cảnh báo thường xuyên trong thời gian gần đây.
Trước thực trạng đó, mỗi gia đình phải tự xoay xở tìm cách riêng để quản lý con, em mình. Chị Bùi Thị Bé (xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn) cho biết: "Tôi có một con trai 12 tuổi. Hè này muốn đưa cháu vào sinh hoạt ở NVH của huyện. Thế nhưng, nhà tôi cách NVH huyện tới hơn chục cây số không thể đưa đón cháu hàng ngày được nên tôi đành để cháu ở nhà. Bây giờ trẻ con nghịch ngợm lắm. Mỗi khi đi làm đồng, tôi "nhốt" cháu ở trong nhà cho yên tâm. Biết là cách này không hợp lý, nhưng thực sự tôi cũng không còn cách nào khác…".
Khác với "chiêu" quản lý con khá độc đáo của chị Bé, anh Nguyễn Văn Tạo (phường Thanh Bình, Tp Ninh Bình) lại áp dụng giải pháp "học kỳ 3" đối với con gái "rượu" của mình. Anh Tạo cho biết: "Không có chỗ cho con đến học tập, vui chơi thì gia đình mình phải tự tạo ra thôi. Tôi quyết định tìm lớp học thêm tất cả các môn cho cháu. Phải tranh thủ dịp hè để ôn lại kiến thức cũ, tiếp cận với kiến thức mới. Như vậy, khi vào năm học cháu mới "thắng" được bạn bè chứ ". Vậy là, cô bé 8 tuổi lại phải "oằn" lưng "cõng" sách tới lớp suốt kỳ nghỉ hè.
Việc lo cho con học hành là điều cần thiết, nhưng việc tìm ra sân chơi bổ ích cho con trẻ trong ngày hè cũng là điều đáng quan tâm. Không lẽ vì thiếu sân chơi, thiếu những hoạt động bổ trợ thiết thực mà con trẻ phải chịu áp lực của việc học hay vùi đầu trong những thú vui vô bổ? Câu hỏi này xin được đặt ra cho mỗi gia đình, mỗi địa phương và cộng đồng xã hội.
Thu Hằng