Mùa hè chơi ở đâu? Dù ở những vùng nông thôn có khá nhiều quỹ đất trống có thể làm điểm vui chơi cho trẻ em nhưng hầu hết không được quy hoạch và cũng không có nguồn lực để xây dựng. Cùng với đó, các gia đình thường tất bật với công việc đồng áng, không có nhiều thời gian quan tâm tới con em mình dẫn tới việc trẻ em phải tự chơi và tự tìm sân chơi trong những ngày hè.
Chính việc tụ tập tự phát theo các nhóm để vui chơi tại những địa điểm không an toàn và không có sự quản lý của người lớn như đi tắm sông, trèo cây, đá bóng dưới lòng lề đường hay chơi trò đuổi bắt nguy hiểm là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tích… Việc học sinh tự ý rủ nhau đi tắm sông, hồ dẫn đến việc đuối nước là hiện trạng phổ biến ở nhiều địa phương. Nhưng dường như các em học sinh chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm mà chỉ hành động một cách tự phát theo sở thích và sự rủ rê của bè bạn. Các em cũng chưa đủ kỹ năng để có thể xử lý tình huống khi gặp tai nạn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Vào mùa hè năm 2012 tại hồ Đồng Liềm thuộc địa phận xã Quỳnh Lưu (Nho Quan) xẩy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 2 em học sinh lớp 8 thiệt mạng để lại những nỗi đau khôn tả đối với gia đình các em nhưng dường như đó chưa phải lời cảnh tỉnh đủ sức nặng. Tắm sông vẫn luôn là một trò chơi được rất nhiều các em học sinh lựa chọn mỗi khi được nghỉ hè. Những trò chơi tự phát, những sân chơi lầy lội và những mối nguy hại từ các trò chơi đến nay vẫn đang là bài toán chưa có lời giải khi tại các vùng nông thôn, một sân chơi đủ sức hút cho các em học sinh mỗi dịp hè đang là một cái gì đó quá xa vời.
Ngoài những trò chơi mất an toàn thì Game online cũng tiềm ẩn những mối lo ngại nhất định. Những ngày hè không phải đến trường, nhiều em nghe theo bạn bè rủ rê ngày đêm đắm chìm trong thế giới ảo, tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để theo đuổi những thứ phù phiếm trên game. Có nhiều em học hành rất chăm chỉ trong cả năm học nhưng khi nghỉ hè có nhiều thời gian lại bắt đầu tìm tòi và dấn thân vào thế giới Game online, dẫn đến nghiện và sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc cũng là lúc các em nhận ra mình không thể dời bỏ cái thế giới ảo đó. Chính vì thế thời gian học ngày càng ít đi thay vào đó là thời gian chơi game tăng lên, cứ như thế việc học ngày càng xuống dốc khiến các em chán nản và bỏ học giữa chừng. Không có chỗ vui chơi tập trung ổn định, không có người quản lý cũng như định hướng nên các em học sinh dễ sa đà vào những trò chơi vô bổ và có hại tới sức khỏe cũng như trí tuệ.
Cần nâng cao vai trò của Đoàn tại cơ sở
Vào mỗi dịp nghỉ hè, các nhà trường đều có giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, Đội cho mỗi học sinh về địa phương quản lý, tuy nhiên tại những vùng nông thôn việc tổ chức, tập hợp cũng như tạo ra các sân chơi gần như nguội lạnh hoặc không đủ sức hút đối với các em học sinh. Anh Nguyễn Thiện Hiển, Bí thư đoàn xã Sơn Hà (Nho Quan) chia sẻ: "Vào mỗi dịp hè, chúng tôi đều tổ chức các lớp tập huấn, các buổi lao động cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia vào các phong trào Đoàn, nhưng một phần do không có kinh phí hoạt động thường xuyên nên hiệu quả cũng chưa cao". Anh Hiển cũng cho biết thêm: "Hiện nay trên địa bàn xã có một sân chơi thu hút rất nhiều thanh, thiếu niên tham gia sinh hoạt đó chính là sân bóng Quỳnh Phong. Tại đây không chỉ có thanh thiếu niên của Sơn Hà mà cả của Quảng Lạc, Quỳnh Lưu cũng đổ về sinh hoạt, tuy nhiên sân bóng chỉ là nơi tụ tập vào mỗi buổi chiều muộn và cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu vui chơi của rất nhiều thanh thiếu niên".
Tại nhiều địa phương, Đoàn thanh niên cũng đứng ra tổ chức những chuyến đi tham quan du lịch cho các đoàn viên tham gia nhưng cũng có rất ít những bạn trẻ đặt lịch, một phần vì các em không thích thú, phần khác nhiều em còn mang tư tưởng ngại và nhút nhát. Thực tế cho thấy, hầu hết thanh thiếu niên tại các vùng nông thôn đều không mặn mà với các việc múa, hát mà Đoàn tổ chức bởi vì tất cả đều mang tính chất nhỏ lẻ và không được duy trì đều đặn. Khi được hỏi về việc tham gia sinh hoạt Đoàn tại địa phương, em Trịnh Thị Trinh, học sinh Trường THPT Nho Quan A thẳng thắn chia sẻ: "Hầu như năm nào về sinh hoạt tại Đoàn cơ sở cũng chỉ quay đi văn nghệ, quay lại lao động không có gì mới mẻ". Em Hà Đức Minh, học sinh lớp 8 Trường THCS Quảng Lạc thì cho biết: "Thời gian nghỉ hè em thường đi bẫy chim và tìm tổ chim để bán, còn tham gia sinh hoạt Đoàn thì đến trung thu chứ mùa hè cũng không có nhiều chương trình hấp dẫn."
Như thế có thể thấy dù các cấp bộ Đoàn tại cơ sở đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các sân chơi cho thanh, thiếu niên nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn. Ngoài việc kỹ năng tổ chức của cán bộ Đoàn tại cơ sở còn hạn chế thì việc kinh phí hoạt động vẫn là nguyên nhân chủ yếu. Đoàn thanh niên không thể vừa tạo phong trào, vừa đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động các sân chơi một cách có hiệu quả. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động thiếu nhi cũng chưa được quan tâm đúng cách dẫn đến mỗi dịp hè các em thường sa đà vào các trò chơi một cách tự phát để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Đây chính là một vấn đề đáng lo ngại vào mỗi dịp nghỉ hè tại các vùng quê.
Thiết nghĩ để tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thanh, thiếu nhi ở nông thôn vào mỗi dịp hè cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, cũng như toàn xã hội; cần đầu tư xây dựng những khu vui chơi giải trí, những lớp dạy bơi vào mỗi dịp hè; nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn tại cơ sở cũng như có nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, những trại hè thiếu nhi. "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" khẩu hiệu đó đòi hỏi nhà trường và toàn xã hội cần quan tâm nhiều hơn tới việc tạo ra các sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là những vùng nông thôn.
Bài, ảnh: Đàm Văn Nghị