Trong 5 năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội và phối hợp với Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, giải ngân nhanh chóng, kịp thời vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đến ngày 31/8/2020 tổng dư nợ các chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 220.545 tỷ đồng, chiếm 99,5% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH, tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014.
Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam chiếm 38,8%; Hội Nông dân chiếm 30,6%; Hội Cựu chiến binh chiếm 16,7%; Đoàn Thanh niên chiếm 13,9%.
Việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội giảm dần từ 0,38% năm 2014 xuống còn 0,25% thời điểm 31/8/2020.
Đối với tỉnh Ninh Bình, từ năm 2015 đến nay, các chương trình và khối lượng tín dụng chính sách thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội ngày càng tăng.
Đến 30/9/2020 tổng dư nợ của các chương trình được thực hiện theo phương thức ủy thác là trên 2.590 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng 49% so với năm 2014.
Chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách của người vay nâng lên và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Tính đến 30/9/2020 tổng nợ quá hạn và nợ khoanh giảm còn 0,27%.
Trong 5 năm qua nguồn vốn chính sách đã giúp hơn 32 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi; trên 2 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi phí học tập; xây dựng, cải tạo 100 ghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; giải quyết việc làm cho gần 8 nghìn lao động; xây mới 500 ngôi nhà cho hộ nghèo... Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2015-2019 từ 3,92% xuống còn 2,57%.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác, các địa phương, Tổ Tiết kiệm và vay vốn đã thảo thuận, phân tích, làm rõ hơn những kết quả đã đạt được trong hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015-2020.
Đồng thời cũng khẳng định và đánh giá cao vai trò của các đoàn thể trong việc truyền tải vốn chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, qua đó, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong cả nước.
Hồng Giang - Minh Đường