Năm 2020, hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều đổi mới tích cực, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh, cụ thể hóa Luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được đề xuất, nghiên cứu, triển khai đều xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của các cơ quan, sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Hoạt động sở hữu trí tuệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã làm thay đổi nhận thức của nhiều tổ chức doanh nghiệp và cá nhân về tạo lập quản lý, bảo vệ tài sản trí tuệ, thúc đẩy phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa, duy trì danh tiếng và nâng cao sức cạnh tranh.
Nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học có sự chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ, các kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Trong năm đã thành lập thêm 2 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 6 doanh nghiệp khoa học công nghệ (trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 3 doanh nghiệp và công nghiệp có 3 doanh nghiệp).
Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh tập trung triển khai phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ theo hướng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần thay đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cạnh tranh. Như, quy trình sản xuất giống nấm, sản xuất và chế biến lúa gạo chất lượng cao, sản xuất rau quy mô công nghiệp an toàn, quản lý sản xuất bằng công nghệ 4.0; Các mô hình trang trại chăn nuôi gà Cúc Phương, dê lai, dê sữa Ninh Bình, lợn Táp ná, mô hình nuôi tôm 3 vụ/năm, mô hình sản xuất giống hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông, mô hình sản xuất giống Ngao 2 cồi; mô hình sản xuất giống và thương phẩm cây dược liệu Trà hoa vàng, Đinh lăng lá nhỏ, Cam thảo...
Năm 2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ xây dựng thành công các thương hiệu, nhãn hiệu nông sản: Mật ong Cúc Phương, Trạch tả Ninh Bình, Chè trại Quang Sỏi, Đào phai Tam Điệp, Nếp hạt cau Ninh Bình, Nem chua Yên Mạc và xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dứa Đồng Giao - Ninh Bình. Các sản phẩm bước đầu đã khẳng định được thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá trị thương hiệu tăng gần 10% so với trước.
Trong lĩnh vực công nghiệp đã hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến dây truyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nghiên cứu, chế tạo, thiết kế sản xuất các sản phẩm áp dụng công nghệ cao, sản xuất các các sản phẩm mới, vật liệu mới thay thế cho hàng ngoại nhập và các sản phẩm bảo vệ môi trường như: sản phẩm gạch không nung; búa, sàng đập đá thay thế linh kiện cho các dây chuyền sản xuất xi măng; đúc kim loại bằng phương pháp đúc chân không; sản xuất bao bì túi giấy thay thế túi nilong...
Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông vận tải...cũng được đẩy mạnh. Công tác nghiên cứu khoa học tại các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp ngày càng được quan tâm. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát triển sâu rộng, năm 2020, đã xét và công nhận 2.932 sáng kiến cấp cơ sở, 67 sáng kiến cấp tỉnh.
Năm 2021, tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN, Sở KH&CN sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, các chương trình sản phẩm Quốc gia và các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh; tiếp tục thực hiện nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường Thử nghiệm. Thực hiện nghiêm túc quy định thẩm định, đánh giá công nghệ; tham mưu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tăng cường hỗ trợ thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao thưởng và Giấy chứng nhận cho các tác giả có đề tài công nhận sáng kiến cấp tỉnh; Một số tập thể, cá nhân được các cấp, ngành khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ năm 2020.
Minh Đường - Anh Tuấn