Cuộc tổng điều tra hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe - nhìn tỉnh Ninh Bình được triển khai trong một thời gian ngắn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông; sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân nên cuộc điều tra đã hoàn thành đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng.
Qua thực hiện ở 4 mẫu phiếu điều tra tại các huyện, thành phố, thị xã cho thấy: Mẫu phiếu số 1, điều tra ở 25 cơ quan cấp tỉnh, kết quả có 1.554 cán bộ công chức, có tổng số máy vi tính là 1.128 máy, đạt tỷ lệ bình quân 0,73 máy/người; 24/25 cơ quan có kết nối mạng LAN và kết nối mạng Internet. Phiếu số 2 điều tra ở 8 huyện, thành phố, thị xã có 1.424 cán bộ công chức, tổng số máy tính được trang bị là 798 máy, đạt tỷ lệ 0,56 máy/người; 100% cơ quan Đảng, chính quyền kết nối mạng LAN và Internet. Phiếu số 3 điều tra ở 146 xã, phường, thị trấn cho kết quả: toàn tỉnh có 146 trạm truyền thanh cấp xã, bình quân 1 trạm/xã, trong đó có 96 trạm có dây, 50 trạm không dây; tất cả các văn phòng Đảng ủy, HĐND, UBND xã, điểm bưu điện văn hóa xã, trạm y tế, trường học… đều có số điện thoại liên lạc, nhiều nơi có máy vi tính kết nối mạng Internet… Phiếu số 4 điều tra ở 1.659 thôn, xóm, tổ dân phố; 237.749 hộ gia đình và 816.609 nhân khẩu, cho kết quả: Tỷ lệ người có điện thoại di động đạt 34%; tỷ lệ hộ có điện thoại cố định bình quân đạt 51%; tỷ lệ hộ có máy vi tính bình quân đạt 7%; tỷ lệ hộ có máy thu thanh đạt 14%, máy thu hình 91%...
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo điều tra hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe - nhìn tỉnh, đã tặng bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện công tác điều tra.
Huy Hoàng