Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh trao Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 2 cá nhân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tống Quang Thìn tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân và tập thể tiêu biểu.
Cùng dự có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU; đại diện Văn phòng Thường trực BCĐ Trung ương Phong trào TDĐKXDĐSVH; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố; các đồng chí thành viên BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh và các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào.
15 năm qua, Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đạt được những kết quả nổi bật như: Đã suy tôn trên 250.000 gương người tốt, việc tốt ở các cấp, kịp thời khích lệ, động viên và nhân rộng những tấm gương điển hình trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" thể hiện tính đúng đắn trong lựa chọn nội dung, hình thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia thực hiện, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa được đẩy mạnh, đến nay toàn tỉnh có 86% gia đình văn hóa, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế xã hội.
Đặc biệt, phong trào chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh được triển khai sâu rộng đã góp phần xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.
Đến nay, có 43/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (phấn đấu hết năm 2016, toàn tỉnh có 61 xã và huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới); có 69% xã, phường, thị trấn và 83,4% thôn, bản, phố có Nhà văn hóa. Trên 35.000 gia đình hiếu học, 810 dòng họ hiếu học.
Có 78/145 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% các thôn, xóm, phố có hương ước, quy ước được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhân dân tự giác thực hiện. Có 75% làng, xóm, tổ dân phố văn hóa; 735 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được công nhận danh hiệu văn hóa…
Kết quả đạt được của phong trào trong 15 năm qua là cơ sở quan trọng cho việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của phong trào; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa trong 15 năm qua.
Với những kết quả đạt được, căn cứ tình hình thực tiễn và trước những yêu cầu phát triển của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh một số vấn đề để các cấp, các ngành quan tâm nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, phấn đấu để phong trào thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là chiều sâu lịch sử, văn hóa, tương xứng với vùng đất Cố đô Hoa Lư văn hiến, địa linh nhân kiệt. Đó là:
Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở các cấp; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở các cấp; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng, tạo cơ chế quản lý đồng bộ để phong trào phát triển bền vững.
Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân…
Gắn việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được quyết định trong từng giai đoạn.
Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới (trong đó phải xây dựng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới thành một trong những tiêu chí bền vững nhất); xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
Phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành chương trình thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phong trào phù hợp với đặc điểm, tình hình ở các khu vực, vùng miền; thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các địa bàn tham gia.
Thực hiện tốt các nội dung của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.
Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động khu, cụm công nghiệp theo Chỉ thị 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 28/7/2014 của Tỉnh ủy Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tạo chuyển biến về nhận thức, ứng xử văn hóa; hiểu biết lịch sử, vănhóadân tộc; tăng cường xây dựng các mô hình, các điển hình tiên tiến; tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo và kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh khẳng định, 15 năm qua, phong trào đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy Đảng, chính quyền, trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ và các đoàn thể, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Thời gian tới, phát huy những thành tích đã đạt được, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh đề nghị các ngành, các cấp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Đẩy mạnh công tác truyền thông để nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Phong trào. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ phong trào các cấp.
Đồng thời tiếp tục quán triệt về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Phong trào, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từng bước xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Cùng với đó, từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa…, đảm bảo cho nhân dân được tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa và tự tổ chức các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành, trên cơ sở kết quả của 15 năm Phong trào TDĐKXDĐSVH cần rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó phát huy các thành tích đạt được, kịp thời khắc phục những khó khăn, tồn tại, đề ra những giải pháp đúng đắn nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của Phong trào, gắn với xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh trao Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 2 cá nhân; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tống Quang Thìn tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 52 cá nhân và tập thể tiêu biểu.
Mỹ Hạnh-Minh Quang