Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phúc (phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình) năm nay bước sang tuổi 99. Mẹ không còn giúp các con trông cháu, trông chắt được vì sức khỏe yếu đi nhiều, song mẹ vẫn còn minh mẫn lắm. Tới thăm mẹ vào một ngày tháng 7 ân tình, qua những câu chuyện kể, mẹ đưa chúng tôi trở về với một thời hoa lửa. Thời ấy, mẹ Phúc còn trẻ lắm. Mẹ luôn thấy mình hạnh phúc vì được là mẹ của 5 người con. Rời ghế nhà trường, các con trai của mẹ lần lượt tình nguyện ghi tên nhập ngũ. Họ nguyện mang tình yêu, sức trẻ của mình góp sức cùng dân tộc đấu tranh giành độc lập. Mẹ hạnh phúc vì các con của mẹ có lý tưởng, ước mơ… những thứ mà Tổ quốc đang cần. Trước ngày con trai cả là Phạm Văn Điển nhập ngũ, mẹ Phúc nấu cho con bữa cơm thật ngon. Cũng chẳng có gì, chỉ là niêu cơm bớt độn sắn và thêm vào mâm cơm ấy một bát canh cá, một đĩa tép mẹ mới riu được vào hồi chiều. Đêm, mẹ không chợp mắt được. Bao lần mẹ trở dậy, nhìn đồng hồ rồi lại khẽ khàng nhìn con ngủ thật yêu thương. Khi gà mới cất tiếng gáy sang canh, Mẹ đã vào bếp thổi niêu cơm nếp, rang thêm mẻ muối vừng để con mang theo ăn dọc đường. Trao cho con vắt cơm với muối vừng, mẹ nén chặt hàng nước mắt chực tuôn trào, mạnh mẽ động viên con dũng cảm lên đường.
Và, mẹ không quên dặn dò con phải phấn đấu trở thành người con kiên trung của Tổ quốc. Tiễn con đi, nhìn bóng con khuất sau rặng tre cuối làng, mẹ đặt tay lên ngực chế ngự nhịp tim đang thổn thức. Mẹ hiểu sự mất mát của chiến tranh. Và mẹ bắt đầu ước, Mẹ ước các con của mẹ, các con của mọi miền quê sẽ sớm hòa cùng đoàn quân chiến thắng trở về.
Một ngày chớm hạ, năm 1968, gia đình mẹ Nguyễn Thị Phúc nhận được giấy báo tử của con trai lớn Phạm Văn Điển. Ông Phạm Quang Ninh, người con trai út của mẹ Phúc năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Ông Ninh còn nhớ rất rõ khoảnh khắc cả gia đình nhận được tin dữ, dù khi ấy, ông Ninh mới tròn 10 tuổi. Ông Ninh kể: khi người bưu tá trao cho bố mẹ tôi một phong thư, đọc xong, mẹ tôi bật khóc còn bố lặng lẽ đi vào nhà, thắp một nén nhang lên bàn thờ.
Mắt mẹ nhòa lệ, mẹ chậm rãi bước vào gian buồng mà bố mẹ tôi mới sửa sang lại chuẩn bị làm tổ ấm cho anh Điển. Lẽ ra, anh Điển đang hưởng những ngày hạnh phúc cùng vợ trong gian buồng ấm áp ấy. Nhưng trước ngày cưới vài ngày, anh động viên người yêu là chị Huệ tạm gác lại chuyện đám cưới để anh lên đường tham gia chiến dịch Khe Sanh (chiến trường Quảng Trị). Anh Điển hẹn ngày chiến dịch đại thắng sẽ trở về. Nhưng anh đã không trở về nữa, anh nằm lại chiến trường Quảng Trị đầy khói lửa, anh mãi lỗi hẹn với gia đình và với người thương.
Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, vài năm sau đó, gia đình mẹ Phúc lại nhận được giấy báo tử của hai con trai thứ là Phạm Văn Nam và Phạm Văn Tỉnh. Riêng Phạm Văn Tỉnh, anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Mẹ Phúc kể, Tỉnh giấu gia đình ghi tên nhập ngũ. Rời ghế nhà trường, Tỉnh tự hào khoác lên mình chiếc áo lính, từ biệt gia đình xông pha nơi chiến trường, khi ấy, Tỉnh vừa tròn 17 tuổi. Mùa hè năm 1969, tôi nhận được giấy báo tử của Tỉnh. Cả gia đình không còn nước mắt để khóc các con, con hy sinh khi bước sang tuổi 19, nó còn quá trẻ.
Năm 1979, cháu đích tôn của mẹ là Phạm Văn Tuấn cũng đã hy sinh ở tuổi 19... Kể đến đây, Mẹ Phúc lặng lẽ lau giọt nước mắt. Chiến tranh đã cướp đi của mẹ nhiều thứ quá. "Nhưng bây giờ, Mẹ có nhiều con, nhiều cháu lắm. Đó là các cháu học sinh, các con trong Hội phụ nữ của phường, các cháu đoàn viên, thanh niên… Bà con lối xóm cũng thường xuyên sang động viên, thăm hỏi, giúp đỡ Mẹ mỗi khi trái nắng, trở trời. Những nghĩa cử ân cần đó đã sưởi ấm trái tim của mẹ"- Mẹ Phúc xúc động.
Toàn tỉnh hiện có 85 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và 441 Mẹ được truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Đến nay, chỉ còn 92 Bà mẹ còn sống với độ tuổi bình quân trên 80 tuổi do các địa phương đơn vị, doanh nghiệp tại 8 huyện, thành phố, thị xã nhận phụng dưỡng. Những năm qua, các Mẹ Việt Nam anh hùng luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm chăm sóc. Bên cạnh làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp luôn coi đây là bổn phận của mình như một người con, người cháu tận tình chăm sóc, động viên các mẹ khi ốm đau. Các đơn vị nhận phụng dưỡng đã chủ động cử đoàn cán bộ về thăm hỏi, động viên, phối hợp với cơ quan y tế địa phương thăm khám sức khỏe cho các mẹ tại nhà hoặc tạo điều kiện về phương tiện đưa các Mẹ đi thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh việc phụng dưỡng, thăm hỏi, động viên các Mẹ, các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh còn phối hợp làm tốt việc cải thiện nhà ở, làm nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm và hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các Mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị ngoài việc động viên cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ủng hộ, còn tích cực dành một phần thu nhập hoặc quỹ phúc lợi của cơ quan để đóng góp cùng địa phương, dòng họ hỗ trợ bằng vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Việc phụng dưỡng, thăm hỏi, động viên, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng hàng năm đã góp phần nâng cao điều kiện vật chất, tinh thần cho các mẹ, tạo dựng mối quan hệ tình cảm sâu sắc giữa các mẹ và đơn vị, cũng như giữa các đơn vị với chính quyền địa phương, dòng họ, gia đình. Điều rất đáng ghi nhận là ngày càng nhiều doanh nghiệp đã thường xuyên tham gia thực hiện tốt công tác phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng như: Doanh nghiệp Xuân Trường, Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, Chi nhánh Ngân hàng Liên Việt, Chi nhánh Ngân hàng Công thương, Chi nhánh Viettel Ninh Bình, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Quyền…
Đào Hằng