Ở xóm Tây Cường, xã Văn Hải (huyện Kim Sơn), xác định việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm nên Tổ Dân vận đã xây dựng mô hình "Dân vận khéo" vận động nhân dân tham gia. Tổ Dân vận đã phân công các thành viên phụ trách địa bàn khu dân cư phối hợp với các chi hội đoàn thể đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh. Là xóm có đông đồng bào Công giáo, Tổ Dân vận còn thường xuyên gặp gỡ các chức việc trong giáo họ để phối hợp vận động, nhắc nhở giáo dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đến nay 100% các đám cưới trong xóm đã giảm được thủ tục rườm rà, tốn kém, xóa bỏ tình trạng cỗ bàn linh đình; đám hiếu trang trọng, gọn nhẹ, không kéo dài thời gian, xóa bỏ được các hủ tục mê tín dị đoan; các ngày lễ, ngày chầu lượt diễn ra trong khuôn viên nội tự… Ngoài ra, do làm tốt công tác Dân vận nên trong năm qua, trên địa bàn xóm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, những mâu thuẫn trong nội bộ xóm được giải quyết thấu tình, đạt lý, người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền.
Cũng như xóm Tây Cường, ở nhiều địa phương trong tỉnh, Tổ Dân vận thôn đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề được đông đảo người dân quan tâm như vận động hiến đất làm đường giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường; hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Đồng chí Phan Huy Khôi, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Dân vận thôn Cầu Mơ, xã Văn Phong (huyện Nho Quan) cho biết, hưởng ứng phong trào "Chung tay xây dựng NTM" do huyện, xã phát động, Chi bộ xóm đã giao cho Tổ Dân vận nhiệm vụ vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của để xây dựng lại nhà văn hóa thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Tổ Dân vận phân công các thành viên phụ trách địa bàn khu dân cư theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", nắm tâm tư, nguyện vọng bà con để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Tổ còn viết thư kêu gọi sự ủng hộ của con em quê hương đang sinh sống và làm việc ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của bà con, 100% các hộ tham gia đóng góp ủng hộ chủ trương của Tổ, hộ ít nhất là 200 nghìn đồng và hộ nhiều nhất ủng hộ tới 2 triệu đồng. Cùng với các nguồn hỗ trợ của tỉnh, của huyện, sau 2 tháng khởi công xây dựng, đến nay, nhà văn hóa thôn đã cơ bản hoàn thành với tổng diện tích 162 m2, kinh phí gần 500 triệu đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-2013).
Đồng chí Nguyễn Đức Bính, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, thực hiện chủ trương thành lập Tổ Dân vận thôn, xóm, bản, khu dân cư, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn số 03 và chọn một số xã, phường thực hiện thí điểm mô hình này. Về tổ chức, Tổ Dân vận thôn gồm từ 9 đến 13 thành viên, trong đó đồng chí Bí thư Chi bộ thôn làm Tổ trưởng, các thành viên gồm đồng chí Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và chi hội trưởng các đoàn thể. Tùy vào đặc điểm từng địa phương, một số nơi còn có thêm các thành viên khác như trưởng một số dòng họ; người có uy tín trong cộng đồng là xã viên tiêu biểu, trùm chánh, trùm phó giáo họ...
Ngay sau khi thành lập, các tổ đều xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ và bí thư chi bộ. Một thuận lợi cơ bản trong hoạt động của các Tổ dân vận khi các thành viên đều là những cán bộ ở cơ sở có điều kiện gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tình hình dân tộc, tôn giáo; những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, kịp thời báo cáo cấp ủy, đề xuất giải pháp; đồng thời cũng chính là người trực tiếp tham gia vận động, hòa giải, xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.
Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng các Tổ Dân vận đã lựa chọn những việc mới, việc khó để tham mưu cho cấp ủy tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất về chủ trương, khơi dậy trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân. Tiêu biểu như: Tổ Dân vận ở xóm 2 xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) vận động nhân dân thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, duy trì mô hình thể dục thể thao; Tổ dân vận thôn Lý Nhân, xã Yên Bình (thị xã Tam Điệp) vận động nhân dân xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường thôn; Tổ dân vận xóm 4, Trà Tu (Yên Thắng - Yên Mô) vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn; Tổ dân vận phố Thanh Sơn (Thanh Bình - TP. Ninh Bình) vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị…
Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, các mô hình Tổ Dân vận đã phát huy vai trò thường xuyên sâu sát, gần gũi với nhân dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp với dân và lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương lớn của địa phương. Qua đó phát huy được quyền dân chủ trực tiếp của người dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó mật thiết hơn; nhân dân đoàn kết, đồng thuận, giúp nhau cùng tiến bộ, niềm tin của người dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền được củng cố và tăng cường.
Kết quả hoạt động của Tổ Dân vận thôn bước đầu đã đáp ứng yêu cầu tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, gắn kết hơn mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá hoạt động của các Tổ Dân vận để từng bước nhân ra diện rộng, góp phần nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng trong tình hình mới.
Quốc Khang