Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1965 ông Lê Xuân Điền xung phong đi bộ đội, trải qua những trận đánh ác liệt ông đã bị nhiều thương tích, trong đó phải kể đến mảnh đạn còn nằm trong sọ não đã lấy đi ánh sáng một bên mắt trái của ông, và mắt còn lại cũng mờ dần theo thời gian. Đoàn tụ với gia đình, ông đã được người vợ chăm sóc chu đáo, ân cần, chính điều đó khiến ông vơi bớt đau đớn và có được những nụ cười. Nhưng cuộc sống chẳng bình lặng như ông mong muốn, năm 2000 vợ ông qua đời do một tai nạn, lúc đó ông cảm tưởng như mọi thứ đổ sụp, cảm giác cô đơn như vây lấy ông khiến những ngày tháng sau đó của ông trôi qua thật nặng nề và buồn chán.
Trong lúc bế tắc nhất một lần nữa hạnh phúc đã tìm đến với ông. Năm 2003 được một người chị họ giới thiệu, ông và bà Nguyễn Thị Cúc đã đến với nhau bằng sự đồng cảm, bằng tình thương và bằng cả tình yêu nữa. Biết ông mang trong mình nhiều thương tật bà Cúc thương ông lắm, rồi họ tổ chức đám cưới giản dị với sự chúc mừng của người thân họ hàng, bà con lối xóm và từ đó đến nay đã 11 năm trôi qua, cuộc sống của ông bà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, đầy ắp niềm vui, hai ông bà luôn ở bên nhau sớm tối. Cuộc sống bình dị, hạnh phúc cứ thế trôi qua đối với ông bà khiến mọi người xung quanh ai cũng thấy mừng cho đôi vợ chồng già.
Khi tôi đến thăm gia đình ông bà, đúng lúc bà đang chuẩn bị bữa trưa, ông ngồi trên một chiếc ghế ngâm thơ còn bà thì ngồi nhặt rau, bà kể từ ngày về làm vợ ông lúc nào cũng được nghe ông làm thơ, được nghe ông kể về những kí ức chiến tranh, mặc dù ông không thể giúp được bà nhiều việc trong nhà nhưng bà vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi bên ông. Trước kia khi mắt phải của ông còn nhìn được, bà làm gì ông cũng làm cùng, bà trồng rau thì ông bỏ hạt, bà nấu cơm thì ông phụ bếp, nhưng 3 năm trở lại đây đôi mắt của ông đã mù hẳn khiến ông buồn lắm, buồn vì không được nhìn thấy bà mỗi ngày, buồn vì không thể giúp bà những việc nhỏ trong gia đình và buồn vì bà phải chăm sóc ông nhiều hơn từ việc đút cơm cho ông ăn, tắm giặt, thay quần áo cho ông nhưng bà không lấy đó làm phiền hà mà coi đó là trách nhiệm của một người vợ và là cả một niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Trong người ông có 18 mảnh đạn nên mỗi khi trái gió, trở trời cơ thể ông rất đau đớn, vì thế bà không rời ông nửa bước, bà không bao giờ đi đâu chơi xa mà chỉ làm những việc nhà và chăm ông. Năm 2011 ông bị một cơn tai biến nặng tưởng chừng không qua khỏi, nhưng bà không bỏ cuộc mà đã tìm mọi cách để chạy chữa cho ông và có lẽ chính tình yêu, đức hy sinh của người vợ đã khiến ông chiến thắng bệnh tật để trở về với cuộc sống bên bà.
Ông Điền có 3 người con, nhưng đó đều là con của người vợ cả, hai ông bà không có con chung nhưng bà luôn coi con của ông như con đẻ của mình, sau khi dựng vợ gả chồng hết cho các con, ông bà lại tìm thấy niềm vui bên những đứa cháu của mình, mỗi lần các cháu về chơi ông bà mừng lắm, mỗi đợt nghỉ hè ông đều bảo các con cho cháu về ở với ông, bà để gia đình có thêm tiếng cười, có thêm niềm vui và cũng để bà có được cảm giác ấm áp của một người mẹ, người bà.
Trước khi chia tay ông còn ngâm tặng tôi một bài thơ tặng bà, trong đó có mấy câu mà tôi nhớ mãi:
"Xót xa đôi mắt tôi mù
Bởi chủng bom đạn quân thù gây nên
May mà bà nó ở bên
Cùng tôi chia ngọt, vững bền tình yêu"
Khi tôi hỏi ông có ước muốn gì vào lúc này thì ông cười và trả lời rằng ông chỉ ước đôi mắt mình sáng lại để được nhìn thấy bà, được san sẻ những công việc thường ngày cùng bà. Cuộc sống là thế đấy chỉ cần có tình yêu, sự cảm thông, niềm tin vào một nửa của mình, thì dù có khó khăn gian khổ như thế nào cũng thật ý nghĩa, hạnh phúc luôn nằm trong những điều bình dị nhất trong cuộc sống thường nhật mỗi ngày, nhìn ông bà vui vẻ hạnh phúc bên nhau, bỗng trong tôi cũng có một cảm giác ấm áp lạ thường.
Đàm Văn Nghị